Cần nhiều các biện pháp kiểm soát giá thịt lợn

Sau một thời gian dài giữ ổn định ở mốc 45.000 – 50.000 đồng/kg, những ngày đầu tháng 10, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng mạnh, thậm chí tăng từng ngày và vượt đỉnh 60.000 đồng/kg. Dự báo giá lợn hơi sẽ không dừng lại ở mức này nếu nguồn cung không được cải thiện.

Tính đến ngày 10/10, giá lợn hơi đã tăng mạnh trên cả nước, miền Bắc có nơi đạt 64.000 đồng/kg – mức giá cao nhất 5 năm trở lại đây, giá lợn hơi tại miền Trung tăng tới 3.000 đồng/kg, miền Nam cũng tăng trên diện rộng.

Có thể chạm mốc 70.000 đồng/kg

Theo một tiểu thương tại chợ Cầu Giấy (Hà Nội), giá thịt lợn tăng chóng mặt trong những ngày gần đây. Hiện, giá thịt lợn khi đến tay người tiêu dùng đã tăng 10.000- 11.000 đồng/kg, các loại thịt khác tăng 8.000-9.000 đồng/kg. Giá các loại thịt như mông, vai, ba chỉ… ở mức 95.000-100.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, dù giá lợn tăng cao ngất ngưởng nhưng thương lái vẫn phải vất vả lùng mua lợn khắp nơi, trong khi một số doanh nghiệp khống chế không cho khách mua quá nhiều.

Nguyên nhân được các tiểu thương cho biết là do dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung trong dân không còn nhiều, thậm chí nhiều người phải lùng mua mới có lợn để bán. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng giá lợn hơi tại Việt Nam mỗi ngày đang diễn biến không khác gì việc nhảy múa tăng giá của một mã cổ phiếu nóng trên thị trường chứng khoán.

Trước đó, theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), dịch tả lợn châu Phi đã khiến 5,2 triệu con lợn trong nước bị tiêu hủy, tương đương 12% sản lượng cả nước cùng với nhu cầu nhập thịt lợn của Trung Quốc từ Việt Nam tăng mạnh.

Cũng theo đơn vị này, trong tháng 9/2019, giá lợn hơi trong nước biến động giảm nhẹ do dịch tả đã được kiểm soát, nhiều hộ dân đã bắt đầu tái đàn. Tuy nhiên, do tâm lý sợ dịch tái phát, trong khi các hộ chưa bị dịch cũng e ngại nên nguồn cung ngày càng khan hiếm, đẩy giá tăng cao.

Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CP Việt Nam Vũ Anh Tuấn, trong những ngày tới, giá lợn sẽ tiếp tục tăng cao, nhưng tăng đến mức nào thì còn phụ thuộc vào tình hình dịch tả khiến nguồn cung thiếu hụt ra sao.

Tương tự, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam, dự đoán giá lợn sẽ tiếp tục tăng cao và có thể chạm mốc 70.000 đồng/ kg trong 5-7 ngày tới.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận những dự báo về việc giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng cao, thậm chí rất cao là hoàn toàn có cơ sở. Nguyên nhân là bởi nguồn cung lợn tại Việt Nam và các nước lân cận, nhất từ Trung Quốc đang giảm mạnh vì bị ảnh hưởng dịch.

Hiện, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp trên địa bà Hà Tĩnh và Nghệ An, những ngày gần đây bùng phát nhanh, khó kiểm soát nhiều ổ dịch mới được phát hiện. Tổng số lợn đã tiêu hủy tại 2 tỉnh này lên tới gần 67.000 con.

Ảnh minh họa

Cần thêm nhiều biện pháp

Trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết hiện giá thịt lợn đang lên cao nhưng Bộ sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan kiểm soát, không để lên cao quá mức như thị trường Trung Quốc.

Theo đó, để bù nguồn thịt lợn bị thiếu sẽ tăng nguồn từ thịt gà, bò, hải sản, Bộ NN&PTNT cũng đã tính tới phương án tăng nguồn nhập khẩu thịt. Tuy nhiên, việc nhập khẩu ngoài cân đối nhu cầu trong nước còn có quan hệ thương mại các quốc gia với nhau.

Hiện, dịch tả lợn châu Phi cũng đã phần nào được khống chế. Tổng kết tiêu hủy lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi tháng 8 so với tháng 7 giảm 20%, so với tháng 5 và tháng 6 giảm 35- 40%. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch tả, giúp ổn định đàn lợn.

Mới đây, công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting ước tính quy mô đàn nái trên cả nước đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, trong đó các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là đối tượng chịu tác động lớn nhất từ dịch tả lợn. Ipsos ước tính Việt Nam có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt trước Tết Nguyên đán do nguồn cung chưa hồi phục.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, vẫn chưa có căn cứ để tính cụ thể việc thiếu thịt lợn trong dịp Tết tới. Song, từ thực tiễn, dự báo giá thịt lợn sẽ tăng cao, có thể lên mức 55.000-60.000 đồng/kg vào những tháng cuối năm.

Hiến kế khắc phục tình trạng nguồn cung nhằm kiểm soát giá cả thịt lợn trong nước, đã có ý kiến cho rằng có thể học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc xây dựng kho dự trữ chiến lược.

Các kho dự trữ được dùng như một công cụ để kiểm soát giá cả hàng hóa. Mô hình này được áp dụng không chỉ với thịt lợn, mà còn với nhiều mặt hàng thiết yếu khác như thịt bò, thịt gà và thịt cừu.

Thực tế, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới có kho dự trữ thực phẩm, lương thực quy mô lớn mà tại Canada, Mỹ cũng từng có những kho dự trữ nho khô, siro…