Bộ Nông nghiệp nói gì về chuyện thịt lợn trong nước không chịu xuống giá, “bất chấp” chỉ đạo của Chính phủ

Theo Bộ NN&PTNT, một trong những nguyên nhân khiến thịt lợn không chịu xuống giá là do các doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân… chưa đồng bộ xuống giá, nên chưa đủ sức để kéo giá bình quân xuống ngưỡng 70.000 đồng/kg hơi.

Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, giá thịt lợn hơi xuất chuồng hiện nay trên địa bàn cả nước đang dao động ở ngưỡng 75.000 – 82.000 đồng/kg, tùy từng địa phương.

So với năm 2019, mức giá này cao hơn gần gấp đôi. Cụ thể, ở thời điểm từ tháng 1 – 3/2019, giá lợn duy trì ở mức từ 45.000 – 47.000 đồng/kg.

Tháng 4 – 7/2019, giá lợn giảm xuống 35.000 đồng/kg.

Đến tháng 8 – 9/2019, sau khi ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn chây Phi, nguồn cung giảm làm mất cân đối cung – cầu, thì giá thịt lợn hơi tăng ngưỡng từ 42.000 lên 90.000 đồng/kg.

Từ tháng 1- 4/2020, khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và các biện pháp tái đàn được triển khai thì giá giảm từ 90.000 đồng xuống ngưỡng 73.000 đồng/kg hơi.

Tuy nhiên, từ thời điểm đầu tháng 4/2020 đến nay, giá lợn thịt hơi có xu hướng tăng từ 73.000 đồng đến ngưỡng 82.000 đồng/kg lợn tại cửa chuồng (tùy địa phương).

Bộ NN&PTNT nói gì về hiện tượng thịt lợn trong nước không chịu xuống giá, “bất chấp” chỉ đạo của Chính phủ - Ảnh 3.

Giá thịt lợn hơi xuất chuồng hiện nay trên địa bàn cả nước đang dao động ở ngưỡng 75.000 – 82.000 đồng/kg, tùy từng địa phương. Ảnh: Bảo Loan

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất “sát sườn” về việc bình ổn giá thịt lợn, tuy nhiên, Bộ NN&PTNT lý giải rằng, có nhiều nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng trở lại.

Đầu tiên là 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn chỉ chiếm thị phần 35% lợn thịt, còn lại 65% thị phần do doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa đồng bộ xuống giá. Vì vậy, chưa đủ sức để kéo giá bình quân xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi.

Thứ hai, mặc dù 99% các xã đã qua 30 ngày không xảy ra dịch nhưng nhiều địa phương còn e ngại chưa kịp thời công bố hết dịch để người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn.

Thứ ba, một số địa phương chưa kịp thời hoàn thành chi trả kinh phí hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi cho người chăn nuôi, làm khó khăn trong việc duy trì sản xuất, tái đàn, tăng đàn.

Bộ NN&PTNT nói gì về hiện tượng thịt lợn trong nước không chịu xuống giá, “bất chấp” chỉ đạo của Chính phủ - Ảnh 4.

Biểu đồ giá thịt lợn từ tháng 4/2019 – 4/2020 dao động từ ngưỡng hơn 40.000 – 90.000 đồng/kg hơi tại tháng 1/2020 và hiện tại đang dừng lại ở mức 76.000 đồng/kg.

Thứ tư, một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn không xuất hoặc xuất hạn chế lợn thịt cũng làm gia tăng thêm hiệu ứng thiếu nguồn cung làm tăng giá lợn thịt; Ngoài ra, từ lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian làm giá thịt lợn tăng cao (gần 43%);

Thứ năm, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng trên 10%.

Ngoài ra, giá thịt lợn của Trung Quốc tăng quá cao trên 120.000 đồng/kg, nên vẫn có hiện tượng thẩm lậu lợn thịt và sản phẩm thịt lợn qua biên giới.

Cuối cùng là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới dẫn đến đứt gẫy các chuỗi sản xuất làm hạn chế nguồn cung thịt lợn, nên giá thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu tăng cao.

Bộ NN&PTNT cho biết, đơn vị đã báo cáo Thủ tướng các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để đáp ứng nguồn cung – cầu thịt lợn.

Thứ nhất, đơn vị chỉ đạo các địa phương rà soát công bố hết DTLCP theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn, tăng đàn bằng các biện pháp tổng hợp.

Chỉ đạo các doanh nghiệp tích cực nhập giống cụ kỵ, ông bà để tăng cường nhân giống và cung ứng lợn giống có chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi.

Đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.

Xây dựng và thúc đẩy nhanh chương trình tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi lợn, giải quyết cho được khâu yếu nhất hiện nay là giết mổ nhỏ lẻ khó kiểm soát.

Tăng cường chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng, từng bước kiểm soát chặt chẽ khâu phân phối.