Bị bỏ đói vì rớt giá, cá sấu cũng… khóc

Không thức ăn, cá sấu phải… “tự bơi” là thực trạng chung của các hộ nuôi cá sấu tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam. Người dân đứng ngồi không yên khi đầu ra sản phẩm này đang đi vào ngõ cụt.

Cá rẻ như cho, người nuôi nợ chồng nợ

Các “ông vua” cá sấu một thời ở “thủ phủ” nuôi cá sấu như TP.HCM, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai… thời gian gần đây đang ngồi trên đống lửa khi giá cá sấu rớt thê thảm. Giá thu mua thời điểm hiện nay, chỉ còn khoảng 50.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng không mặn mà như trước.

Hiện tại, lượng cá sấu tồn đọng rất lớn, các chủ trang trại không còn kinh phí cũng như động lực để chăm sóc. Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Làng cá sấu Sài Gòn, quận 12, TP.HCM cho biết: “Trước đây, trang trại nuôi tới trên chục ngàn con thì nay chỉ còn khoảng một ngàn. Do cá sấu đói không kêu la như heo mà cứ nằm im nên nhiều hộ nuôi để mặc, 1 tuần hay 10 ngày mới cho ăn một lần nhằm tiết giảm chi phí”.

Trước đó, giá cá sấu bị đẩy lên cao nên nhiều người đổ xô đi nuôi.

Anh Nguyễn Văn Tú (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Hiện trang trại nhà tôi có 100 con đến thời điểm xuất bán nhưng giá quá thấp nên đã phải chờ đợi hơn 3 tháng nay. Dù vậy, giá vẫn giậm chân tại chỗ, tôi phải bớt cho ăn để đỡ chi phí. Nếu tháng tới không bán được, nợ sẽ chồng nợ”.

Tại “thủ phủ” Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), người nuôi cá sấu cho biết, giá đã rớt tận đáy. Ông Nguyễn Văn Dương, thâm niên 15 năm nuôi cá sấu này cho biết: “Giá cá sấu từ cuối năm 2016 đến nay đã rơi xuống đáy và thấp nhất từ trước đến nay”.

Trước đó, giá cá sấu bị đẩy lên cao nên nhiều người đổ xô đi nuôi. “Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào, một phần nó cũng dễ nuôi, tốn ít nhân công, phần vì nghĩ mang lại nhiều lợi nhuận. Thời điểm này, cung nhiều hơn cầu nên dẫn tới tình trạng ế ẩm nói trên”, ông Thành nói thêm.

Thương lái ép giá

Khi giá cá sấu lao dốc, các thương lái cũng dùng chiêu ép giá để thu mua rẻ mạt. “Giá cá sấu càng thấp, họ càng ép, đặc biệt với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì cần tiền, giải phóng đàn cá nên nhiều người đã cắn răng bán, chịu lỗ”, ông Nguyễn Văn Hậu, người nuôi cá sấu ở Định Quán, Đồng Nai cho biết.

Ông Trương Thanh Mai, chủ trang trại Phương Tín (tỉnh Bạc Liêu) nhận định: “Tình trạng giá cá sấu rớt thê thảm như thời gian vừa qua là do mạnh ai nấy làm. Nếu người nuôi liên kết với nhau thì không dẫn đến tình trạng như hiện nay. Ví như, các hộ nuôi cùng đưa ra một mức giá chung thì chắc chắn sẽ giữ được lợi nhuận và không bị các thương lái ép giá, thao túng thị trường”.

Về số lượng, vào thời hoàng kim, theo thống kê của các địa phương, tại Cà Mau có tới khoảng 300.000 con, TP.HCM, Bạc Liêu mỗi địa phương có khoảng 200.000 con, Đồng Nai cũng có tới 100.000 con. Giá cá sấu thời điểm này được đẩy lên tới đỉnh điểm, rất cao, tới 200.000 đồng đến 250.000 đồng/kg, sau đó đi xuống và lao dốc không phanh, đến thời điểm này chỉ còn 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg và đang giậm chân tại chỗ. Thậm chí, có tình trạng thương lái không thu mua, dù giá đã rớt đáy.

Có thời điểm, một số đơn vị bao tiêu sản phẩm với giá 120.000 đồng/kg

Đã có thời điểm, một số đơn vị đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm với giá 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi giá cá sấu lên, nhiều hộ lại phá vỡ hợp đồng, bán cho thương lái bên ngoài, chủ yếu là thu gom cho Trung Quốc, dẫn tới thiếu nguyên liệu sản xuất, các đơn vị phải mua với giá cao. Đây cũng “chiêu” cố hữu, “giết chết” người nông dân không chỉ có cá sấu mà nhiều loại khác, đặc biệt là nông sản.

Theo TS. Nguyễn Văn Hồng, giảng viên trường ĐH Nông lâm TP.HCM, hiện nay, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp đang phụ thuộc vào một vài thị trường, nhất là Trung Quốc. Dưa hấu, bí đỏ, thịt heo và cá sấu là những mặt hàng mà người nông dân đang phải đối mặt với nguy cơ ế ẩm, không hiểu tại sao, nhiều năm qua chúng ta vẫn đi vào vết xe đổ này…

TS. Hồng khuyến nghị: “Theo tôi, trước hết, người nông dân tiến đến làm ăn lớn cần cẩn trọng lựa chọn các loại cây, con để nuôi, trồng với sự tư vấn của cán bộ khuyến nông, nhà khoa học cộng thêm sự nhanh nhạy với thị trường. Như nuôi cá sấu thì cần phải liên kết lại, có thể thành lập hiệp hội hay hợp tác xã để cùng nhau phát triển (kể cả sản xuất, phân phối…), tránh rơi vào tình trạng như vừa qua”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các bộ, ngành cần có trách nhiệm để giúp người nông dân tránh rơi vào vòng luẩn quẩn như bấy lâu nay. “Quan trọng hơn, chính quyền địa phương cũng cần chung tay với người nông dân, đóng vai trò như là “bà đỡ” về xúc tiến thương mại, tiếp cận nguồn vốn, xây dựng thương hiệu… Những yếu tố hết sức quan trọng trong cơ chế thị trường như hiện nay”, TS. Hồng nói thêm.

Chỉ còn cách đóng cửa?

Ông Đào Văn Đang, Phó Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết: Cá sấu cũng như một số sản phẩm khác đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, khi xuất sang nước này tới 99,6%. Do đó khi họ ngưng thu mua khiến giá cá sấu giảm mạnh. Tình trạng này làm nhiều trại nuôi phải đóng cửa, chủ yếu là những hộ nuôi nhỏ lẻ, không đáp ứng được điều kiện về chuồng trại và không tìm được đầu ra. Trong 6 năm qua, số cơ sở nuôi cá sấu giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng 40 cơ sở với tổng đàn trên 140.000 con.

Theo Người đưa tin