GS Vũ Trọng Hồng: Thảm họa vỡ đập ở Lào, lời cảnh báo cho Việt Nam

Từ thảm họa vỡ đập thủy điện XePian-XeNamnoy ở Lào, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã có những cảnh báo về các công trình thủy điện ở Việt Nam.

GS Vũ Trọng Hồng

Thưa giáo sư, từ sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào, giáo sư có thể chỉ ra một số nguyên nhân và thực trạng xây dựng thủy điện ở đất nước này như thế nào?

Hai đập bị vỡ, trong đó đập XePian thuộc loại thuỷ điện nhỏ (khoảng 15megawatt), được thiết kế theo loại thuỷ điện đường ống, dẫn nước về  thuỷ điện XeNamnoy, thuộc loại thuỷ điện hạng trung (khoảng gần 400 megawatt).  Hai đập bị vỡ, đang trong giai đoạn tích nước. Đập XiPian nằm ở thượng lưu, vỡ trước, kéo theo đập XeNamnoy vỡ sau

Từ sự cố này cho thấy có liên quan đến thi công và thiết kế. Sở dĩ nói thi công là vì công trình chưa được nghiệm thu đưa vào vận hành, còn nói liên quan đến thiết kế bởi sang giai đoạn tích nước, thì các công trình thi công đã đến cao trình thiết kế. Chúng ta chú ý, công trình  XePian thuộc loại nhỏ, nên có rủi ro cao. Vì sao?

Thứ nhất,  trong các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, thì hệ số an toàn cho công trình nhỏ theo quy định là thấp (so với công trình lớn). Như vậy, chỉ cần sơ suất nhỏ,  rất dễ dẫn đến hư hỏng hoặc vỡ công trình. Ở đây,  có khả năng giả thiết lũ  thiết kế nhỏ hơn thực tế, nên khi mưa nhiều ngày sẽ xuất hiện lũ lớn hơn lũ thiết kế, tràn qua đập, gây đổ vỡ công trình.

Thứ hai, công trình nhỏ thường thiếu số liệu thực tế, được ghi chép nhiều năm, nên việc giả thiết trong xây dựng là không phù hợp với thực tế. Ví dụ, đập bị vỡ, còn do đất nền lún nhiều, nên đập càng bị thấp hơn mực nước lũ.

Thứ ba, việc giám sát quá trình xây dựng đối với công trình nhỏ thường không chặt chẽ so với công trình lớn.

Giáo sư từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo thủy điện hiện nay có một cái sai rất lớn, đó là các sông suối nhỏ cũng đều làm thủy điện bậc thang, mỗi sông 3 – 4 nhà máy thủy điện. Hơn nữa, khoảng cách giữa các nhà máy chỉ cách nhau khoảng vài chục cây số. Các nước không ai cho phép như vậy bởi vì khi đập này tích nước, chưa kịp xả hết thì nước từ đập kia lại chảy về rồi? Nguy cơ của thực trạng này là gì?

Thực trạng xây dựng hàng nghìn thuỷ điện nhỏ ở Việt Nam đang là mối quan tâm của xã hội hiện nay. Ngoài những điểm yếu nêu trên đối với thuỷ điện nhỏ, thì còn vấn đề lớn là chúng ta không thể dự báo lũ cho thuỷ điện nhỏ được. Lý do, không thể xác định đường lũ đến cho các thuỷ điện đó là đâu? Ví dụ, như thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện sông Đà, thì đường lũ đến là sông Đà, nên chúng ta đặt trạm đo dòng chảy trên sông là có thể dự báo lũ. Còn thuỷ điện nhỏ chủ yếu xây dựng trên các suối, đan xen nhau (chúng ta có tới trên 3.400 dòng suối), nên rất khó xác định đường lũ đến đâu là chính.  Điều này gây khó khăn cho việc phòng, tránh lũ.

Hiện nay chúng ta đã xây dựng nhiều bậc thang cho các thuỷ điện nhỏ, lại ở quá gần nhau (ví dụ thuỷ điện Sông Tranh ở Quảng Nam, trên một dòng sông có tới 3 thuỷ điện, chỉ cách nhau không tới hàng chục km), sẽ dẫn đến đổ vỡ hàng loạt, khi thuỷ điện trên bị vỡ, giống như thuỷ điện XePian vỡ, dẫn đến thuỷ điện XeNamnoy vỡ.

Tại sao gần nhau quá lại dễ vỡ? Lý do, khi lượng nước lũ của thuỷ điện bậc thang trên vỡ, nhưng cách xa thuỷ điện bậc dưới, thì lượng lũ đó sẽ phân vào các lưu vực xung quanh để chứa, không dồn ngay về cho thuỷ điện bậc dưới.

Đó là chưa kể quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện vẫn theo mục tiêu về kinh tế,  là làm sao một khối nước, có thể cho phát điện nhiều lần. Chính vì vậy, luôn cho thuỷ điện bậc thang trên cùng tích nước trước, rồi đến bậc dưới. Như vậy khi lũ về lớn hơn, thì buộc hồ dưới phải xả gấp, bởi hồ trên đã đầy. Chúng ta phải xả hồ Hoà Bình cấp tập 4 cửa, cũng do hồ Sơn La đầy, mà lũ lại về lớn. Quy trình trái với yêu cầu dung tích phòng lũ như nêu trên, dễ mất an toàn, nếu cửa xả của hồ dưới không mở được, thì vỡ cả hai hồ.

Người dân vùng ảnh hưởng của sự cố thuỷ điện di chuyển tới nơi an toàn. (Ảnh: ABC Laos News)

Giáo sư có thể chia sẻ một số giải pháp, cảnh báo đối với quy hoạch thủy điện của chúng ta hiện nay?

Đối với quy hoạch thuỷ điện của chúng ta hiện nay đang có một số bất cập, như đã phân tích ở trên. Chúng ta cần phải có nhiều giải pháp,  đối với hệ thống thuỷ điện hiện đang hoạt động, cũng như đối với hệ thống thuỷ điện sẽ được tiếp tục xây dựng. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân tôi thì phải bảo đảm an toàn cho con người ở hạ du các thuỷ điện là số một. Sự cố thuỷ điện bên nước Lào nêu trên, gây ra thương vong và mất tích hàng trăm người là quá lớn. Bởi do điều kiện sinh sống, nên ở hạ du dân ở rất đông.

Đối với Việt Nam chúng ta, những thuỷ điện ở miền Trung cũng đều nằm trên vùng dân cư ở hạ du dày đặc, việc vỡ đập sẽ còn thiệt hại nhiều hơn so với sự cố nêu trên. Tôi kiến nghị nhà nước đưa ra yêu cầu các hồ chứa, bất kỳ thuỷ lợi hay thuỷ điện, vào đầu mùa lũ, phải hạ thấp mực nước trong hồ chứa so với thiết kế, mà theo từ chuyên môn, là có được dung tích phòng lũ. Ví dụ, hồ Hoà Bình có dung tích phòng lũ tới 4 tỷ mét khối nước, để bảo vệ thủ đô. Trên thế giới, đây là quy định nghiêm ngặt cho các hồ chứa vào đầu mùa lũ, luôn luôn phải chừa sẵn dung tích, đề phòng lũ về quá nhanh mới xử lý được. Đây là giải pháp an toàn nhất so với mọi giải pháp.

Xin cảm ơn giáo sư!