Nghiên cứu giống lúa chịu hạn mới

Các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Tài nguyên Bền vững RIKEN (CSRS) đã phát triển các giống lúa chịu hạn trong các tình huống thực tế.

giong lua chiu han

Ảnh minh họa 

Được đăng tải trên tạp chí Công nghệ Sinh học Thực vật, nghiên cứu đã chỉ ra rằng: cây lúa biến đổi gien với một gien từ cây Arabidopsis cho năng suất cao hơn so với cây lúa không biến đổi gien khi phải chống chịu hạn hán tự nhiên. Nghiên cứu được thực hiện với sự cộng tác giữa các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) tại Colombia và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Khoa học Nông nghiệp Nhật Bản (JIRCAS) tại Nhật Bản.

Do lượng lúa gạo cần để giúp nuôi sống dân số toàn cầu tăng lên, nên hậu quả của việc giảm cây trồng do hạn hán đang trở nên nghiêm trọng hơn. Các nhà khoa học tại RIKEN và các cộng sự đã giải quyết vấn đề này bằng cách phát triển các giống lúa biến đổi gien có khả năng chịu hạn hơn.

Thông thường, cây trồng thích ứng với căng thẳng do hạn hán bằng cách tạo ra osmoprotectants – các phân tử giống như các loại đường hòa tan giúp nước không bị thoát ra ngoài lá. Galactinol synthase (GolS) là một enzyme cần thiết để tạo ra một trong những loại đường quan trọng này được gọi là galactinol. Trong các nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học của RIKEN đã chỉ ra rằng cây Arabidopsis biểu hiện gien AtGolS2 để ứng phó với căng thẳng do hạn hán và mặn.

Trong nghiên cứu này, họ đã tạo ra một số dòng lúa biến đổi gien của Braxin và Châu Phi có biểu hiện gien này, và với các cộng sự từ CIAT và JIRCAS, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem cây lúa phát triển tốt như thế nào trong các điều kiện khác nhau của những năm khác nhau.

Kết quả rất khả quan. Thứ nhất, họ đã trồng nhiều giống lúa khác nhau trong điều kiện nhà kính và cho thấy lúa biến đổi gien của Braxin và Châu Phi có hàm lượng galactinol cao hơn so với cây lúa không biến đổi gien. Tiếp theo, họ đã kiểm tra khả năng chịu hạn trong giai đoạn tăng trưởng của cây vì thời kỳ này thường trùng với thời gian diễn ra hạn hán. Sau ba tuần, các dòng biến đổi gien có lá mọc cao hơn, ít bị cuốn lá hơn – phản ứng thường thấy khi bị căng thẳng do hạn hán.

Khả năng chịu hạn tiếp theo được xác nhận vào giai đoạn tạo hạt ở ba cuộc thử nghiệm tại Colombia. Những thử nghiệm này diễn ra trong các mùa khác nhau và các địa điểm khác nhau. Tuy nhiên, các dòng biến đổi gien ở cả hai giống lúa đều cho năng suất và sinh khối lớn hơn, ít bị cuốn lá hơn và khả năng tạo hạt cao hơn so với lúa không biến đổi gien.

Cuối cùng, họ đã khảo nghiệm lúa biến đổi gien trong 3 năm ở các môi trường tự nhiên khác nhau. Một lần nữa, một số dòng biến đổi gien cho thấy năng suất hạt cao hơn trong điều kiện hạn hán nhẹ và nghiêm trọng.

Theo VAAS