Tìm lối đi cho nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang được người dân và các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến các địa phương hết sức quan tâm.

Trên thực tế đã có nhiều địa phương đầu tư vào sản xuất nhưng nhiều năm nay NNHC vẫn không thể phát triển được. Nguyên nhân được cho là người tiêu dùng vẫn chưa tin vào quy trình sản xuất, thậm chí ngay cả các quy định về tiêu chuẩn cũng đang gặp không ít bất cập.

Tìm lối đi cho nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp sạch vẫn chưa chinh phục được người tiêu dùng trong nước.

Chưa thuyết phục được người tiêu dùng

Thống kê của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ, tổng diện tích đất canh tác hữu cơ hiện nay là 118.755 ha, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ là 58.199 ha; diện tích đất canh tác hữu cơ 53.348 ha (chỉ chiếm 0,5% tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp); diện tích thu hái tự nhiên là 7.208 ha. Thị trường nội địa cho sản phẩm NNHC chưa phát triển mạnh. Hiện không có số liệu thống kê chi tiết về chủng loại và sản lượng sản phẩm hữu cơ được sản xuất và tiêu thụ hàng năm. Tuy nhiên, nhìn chung các sản phẩm sữa, rau hữu cơ là để tiêu thụ nội địa, còn các sản phẩm hữu cơ khác như chè, tôm, gạo, quế, hồi, tinh dầu…chủ yếu để xuất khẩu.

Hiện những cơ sở sản xuất NNHC mới chỉ đáp ứng 1% nhu cầu thực phẩm hữu cơ, thực phẩm an toàn dưới 10%. Như vậy tiềm năng còn rất lớn nhưng các chuyên gia cho rằng hiện rất khó để NNHH phát triển, bởi chúng ta còn gặp rất nhiều khó khăn.  Ông Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng cho rằng, lý do đầu tiên là người tiêu dùng đã mất niềm tin vào thực phẩm sạch do có nhiều vụ bê bối về thực phẩm bẩn. Trong khi đó, quy mô sản xuất nhiều doanh nghiệp còn nhỏ, chưa chứng minh được với thị trường về sản phẩm của mình.

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Trưởng Dự án lương nông sản sạch, thực phẩm sạch, cho hay, bà con đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, quá trình đào tạo, tư vấn để việc sản xuất đạt tiêu chuẩn lại có nhiều rào cản. Ngoài ra, vấn đề tiếp cận tài chính của bà con còn nhiều hạn chế. Khi bắt tay vào sản xuất nguồn tài nguyên của họ có hạn, trong khi để làm mô hình sản xuất hữu cơ chuẩn lại rất tốn kém.

Quy định tiêu chuẩn đang bất cập

ThS. Lê Thành Hưng – Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, năm 2006 Bộ NNPTNT đã ban hành Tiêu chuẩn về sản xuất NNHC và chế biến. Tuy nhiên, theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn ngành này không thuộc nhóm tiêu chuẩn chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia, không còn hiệu lực và không còn phù hợp với thực tế cũng như yêu cầu của quốc tế và khu vực.

Đến 2015, Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN)  đã xây dựng và trình Bộ Khoa học và Công nghệ công bố TCVN 11041:2015 ; hướng dẫn, sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, tiêu chuẩn này hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế CODEC. Tuy nhiên, theo ông Hưng, TCVN 11041:2015 chỉ là tiêu chuẩn khung nên trong quá trình áp dụng thực hiện cũng nảy sinh một số bất cập. Do đó, trong năm 2017 và 2018, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam đề nghị soát xét sửa đổi TCVN 11041:2015 để đảm bảo các thuật ngữ, văn phong sử dụng, các nội dung hướng dẫn thực hiện dễ hiểu, để nắm bắt hơn đối với người sử dụng tiêu chuẩn trong thực tiễn, đồng thời tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về trồng trọt và chăn nuôi hữu cơ, chứng nhận sản phẩm hữu cơ.

Như vậy, việc xây dựng và hoàn thiện nhóm tiêu chuẩn quốc gia  và NNHC hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, với các tiêu chuẩn, quy định của một số quốc gia tiên tiến là rất quan trọng. Mặt khác, các TCVN về NNHC phải phù hợp với thực tế tại Việt Nam, áp dụng được trong thực tiễn. Các TCVN này phải nêu rõ các yêu cầu đối với việc sản xuất, chế biến, công bố, chứng nhận và ghi nhận sản phẩm NNHC. Điều này sẽ giúp các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, hiểu và áp dụng đúng bộ TCVN về NNHC.

Ông Hưng đề nghị, cần xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia đối với một số sản phẩm hữu cơ đặc thù, có tiềm năng tiêu thụ và xuất khẩu lớn như gạo, tôm…với mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu quốc gia. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam Lê Quốc Phong nhận định rằng, sản xuất NNHC đang đứng trước thách thức về thu nhập của người sản xuất, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát. Hiện tại đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất NNHC do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ không được cam kết. Hơn nữa, quy trình sản xuất lại khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí sản xuất cao.