Tìm lại giá trị thực cho đặc sản Đà Lạt

Không chỉ có cơ sở sản xuất riêng, doanh nhân trẻ Nguyễn Thị Mến còn liên kết với gần 100 cơ sở khác để cung ứng rau củ quả cho khách hàng trong và ngoài nước trên mạng internet, qua đó tìm lại giá trị thực cho đặc sản của quê hương.

Chị Mến kể, gia đình mình đã trồng cây hồng đặc sản nhiều năm nhưng thu nhập rất bấp bênh bởi quả mau hỏng, giá bán hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Nhiều vụ, mỗi ký hồng chỉ bán được vài ngàn đồng, tiền bán không đủ để trả công thu hoạch.

Nhận thấy đó là tình hình chung của hầu hết các hộ trồng hồng ở Lâm Đồng, từ khi còn là sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng ở TPHCM, Mến đã quyết định khởi nghiệp với loại quả đặc sản của quê hương.

Tìm lại giá trị thực cho đặc sản Đà Lạt ảnh 1

Chị Mến bên giàn hồng sấy theo công nghệ Nhật

Chị học cách làm hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản để có thể bảo quản lâu hơn, nâng cao giá trị quả hồng lên hàng chục lần; đồng thời đăng ký gian hàng miễn phí trên các website như Raovat, Enbac, Rongbay… Chị trở thành một trong những người đầu tiên đưa đặc sản Đà Lạt lên sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Tuy nhiên, vì nóng vội, Mến cấp tốc mua thêm 10 gian hàng ở các sàn giao dịch khác với chi phí 5 triệu đồng/gian, đến khi các sàn này bị sập, cô mất trắng 50 triệu đồng.

Dịch COVID-19 đợt thứ tư diễn biến rất phức tạp và kéo dài khiến nhiều nhà vườn và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản lao đao, chỉ có số ít doanh nghiệp duy trì tốt hoạt động, trong đó có Công ty TNHH Ðầu tư phát triển Cao Nguyên với thương hiệu DaLaVi do chị Mến (32 tuổi, trú TP Đà Lạt) làm giám đốc. Chị vừa được bình chọn là 1 trong 100 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021 của Việt Nam.

Sau cú vấp ngã đó, năm 2012, Mến quyết định mua tên miền, thành lập website Dacsandalat.com.vn và đẩy mạnh bán hàng trên Facebook. Chị chia sẻ, trong thời đại kinh tế số đã và đang trở nên phổ biến, TMĐT là xu hướng kinh doanh tất yếu.

Nếu chỉ áp dụng mô hình kinh doanh truyền thống sẽ không thể tiếp cận với thị trường cả nước và càng khó khăn hơn khi vươn ra thế giới.

Bởi thế dù đã có một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại Đà Lạt, TPHCM, Hà Nội. cùng hàng trăm đại lý tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, sân bay…, Mến vẫn đẩy mạnh mua bán đặc sản Đà Lạt trên Facebook.

Đơn hàng ngày càng nhiều hơn, không chỉ “phủ sóng” toàn quốc mà còn vượt biên giới quốc gia, doanh số bán hàng tăng lên vài chục lần.

Ngoài quả hồng, khách hàng còn đặt mua nhiều đặc sản khác như atisô, dâu tây, mâm xôi, dẻ rừng…, cả tươi và khô. Các mặt hàng kinh doanh của Mến ngày càng phong phú hơn và DaLaVi ra đời với tư cách một thương hiệu chuyên sản xuất và cung cấp hoa quả đặc sản của Đà Lạt.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Mến cùng các nông hộ đẩy mạnh phân phối sản phẩm rau – củ – quả tươi, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản Đà Lạt đang bị ùn ứ.

Các phương thức hoạt động mới bao gồm dịch vụ “Đi chợ giùm”, miễn phí giao hàng đối với đơn hàng trên 500.000 đồng và xây dựng các combo rau – củ – quả với giá vài trăm ngàn đồng đủ để một gia đình sử dụng trong 1 tuần.