Tiêu thụ tôm đối mặt với sự thay đổi vĩnh viễn

Đại dịch virus corona trên toàn cầu có thể thay đổi ngành tôm vĩnh viễn, khiến nhu cầu và giá mất thời gian để hồi phục. Người tiêu dùng có xu hướng chuyển dần sang mua qua các kênh bán lẻ, đặc biệt là sử dụng dịch vụ thương mại điện tử.

Hơn rất nhiều loài hải sản, tôm tạo doanh thu hàng năm ổn định cho ngành dịch vụ thực phẩm. Tuy nhiên, nhu cầu tôm đã giảm mạnh chỉ sau một đêm do dịch COVID-19, nhất là tại Mỹ và EU. Điều này theo Jim Gulkin, Tổng Giám đốc Công ty Siam Canadian, Thái Lan là: “Đã tạo ra một khoảng trống lớn trong doanh số mà sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể hồi phục. Không chỉ 6 tháng hay 1 năm, chúng ta có thể phải mất đến vài năm để khôi phục lại trạng thái như trước dịch bệnh”.

Một thách thức quan trọng khác mà ngành tôm phải giải quyết là lấp đầy khoảng trống trong nhu cầu do sự suy yếu của ngành dịch vụ thực phẩm cùng với việc cung cấp thực ăn cho một nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng.

Ảnh minh họa

Theo Jim Gulkin, người tiêu dùng có xu hướng chuyển dần sang mua hàng qua các kênh bán lẻ, đặc biệt là sử dụng dịch vụ thương mại điện tử. Sự chuyển dịch này có thể tồn tại mãi mãi và đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết.

Mặc dù thức ăn đông lạnh khá phổ biến tại các nước phương Tây, ông Gulkin tin rằng, xu hướng chuyển dịch sang thương mại điện tử cũng sẽ rất mạnh tại các nước Đông Á, nơi mà người dân thường quen mua sắm tại chợ truyền thống.

Theo nguồn tin của bà Fatima Ferdouse, cố vấn thủy, hải sản của Liên Hiệp quốc, các nước Đông Nam Á có rất ít tôm trong thị trường mua sắm trực tuyến. Bà nói thêm: “Người dân Đông Nam Á vẫn ưa chuộng các loại cá hơn là sản phẩm tôm không đầu. Hơn nữa, các sản phẩm tôm đông lạnh là rất hiếm tại khu vực này, nên người tiêu dùng ngày càng mua ít tôm và mua nhiều cá hơn bất kỳ loại hải sản nào”.

Tuy nhiên, phát triển thị trường nội địa là một phương án tuyệt vời để giúp nông dân thoát khỏi tình trạng khó khăn như hiện nay. Bà Ferdouse nhận định: “Chúng ta cần thúc đẩy tiêu thụ nội địa một cách tốt nhất có thể. Tại Đông Nam Á, mọi chuyện phụ thuộc vào chi tiêu mà người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra để mua tôm”.

Ví dụ, Ấn Độ là một thị trường tiềm năng bất tận cho tiêu thụ tôm. Ngay cả khi chỉ 30% dân số ăn 2 kg tôm mỗi năm, họ vẫn sẽ tiêu thụ hết lượng tôm mà quốc gia này sản xuất.

Trong khi, tại Mỹ, Antonio Camposano, Chủ tịch Phòng NTTS Ecuador nhận định, sự khác biệt về văn hóa cũng là một rào cản cho tôm xuất khẩu của các quốc gia khác. Vì vậy, phải điều chỉnh sản phẩm dựa trên nền tảng đó và sau đó phải điều chỉnh nó phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng cụ thể.

Ông Antonio Camposano nói thêm: “Dù là giải pháp nào thì trong một năm hoặc lâu hơn, thị trường tôm sẽ có một diện mạo hoàn toàn khác biệt. Dịch COVID-19 đã cho chúng ta thấy sự mong manh của thị trường, mọi thứ đang dần thay đổi trong bối cảnh phong tỏa và cách ly xã hội. Và cuối cùng, chúng ta nhận thấy, thị trường đã mãi thay đổi, thay đổi về khách hàng, thay đổi về cách mua hàng và thay đổi cả về cách ăn thức ăn”.