Tiềm năng xuất khẩu thủy sản sang Algeria

Sau Nam Phi, Ghana và Ai Cập, Algeria là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu Phi; trong đó, thủy sản là một trong những nhóm hàng có nhiều tiềm năng tại đây

Thủy sản luôn nằm trong top 5 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch lớn nhất sang Algeria, trung bình 9 – 10 triệu USD/năm. Theo Hải quan Algeria, năm 2019, nước này đã nhập khẩu 32.000 tấn thủy, hải sản, kim ngạch đạt 84,2 triệu USD từ các thị trường chính là Tajikistan, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Maroc.

Cá tra Việt Nam liên tiếp gặp khó với hai “rào cản” lớn trên đất MỹẢnh minh họa

Các chuyên gia nhận định, thị trường Algeria được đánh giá là dễ tính đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Do thường xuyên chịu hạn hán, thiên tai, biến động chính trị nên sản xuất lương thực của Algeria không đáp ứng được nhu cầu trong nước. Người dân Algeria tiêu thụ ít hải sản, khoảng 5 kg cá/năm. Tuy nhiên, xu hướng chuyển sang ăn cá (vì chứa ít cholesterol) đang khá rõ nét, khi kim ngạch nhập khẩu cá nước ngọt của Algeria ngày một tăng. Thêm vào đó là số lượng người nước ngoài đến Algeria đầu tư, lao động cũng góp phần tăng cầu thủy, hải sản.

Theo bà Nguyễn Minh Phương, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương), rủi ro trong thanh toán là điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm khi xuất khẩu hàng hóa qua Algeria. Bởi, các nhà nhập khẩu châu Phi không có thói quen mở thư tín dụng (L/C); do đó, họ thường đề nghị mua hàng trả chậm dưới hình thức giao hàng tại cảng đến. Doanh nghiệp xuất khẩu nên đề nghị đối tác đặt cọc ít nhất 40 – 50% giá trị lô hàng hoặc sử dụng thanh toán bằng L/C không hủy ngang có xác nhận.