Thủy sản vươn mình vượt COVID-19

Ngành thủy sản Việt Nam nói riêng và ngành thủy sản thế giới nói chung đang phải gồng mình vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Thị trường thế giới đảo lộn do xuất khẩu đình trệ và nguồn cung cũng suy giảm nghiêm trọng.

Xuất khẩu giảm sốc

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng đầu tiên của năm 2020 sụt giảm mạnh 32,2% so với tháng 12/2019 và giảm 33,7% so với tháng 1/2019, chỉ đạt trên 491,64 triệu USD.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam là Nhật Bản, đạt 88,72 triệu USD, chiếm 18,1% trong tổng kim ngạch, giảm 18,9% so với tháng 12/2019 và cũng giảm 28,2% so với tháng 1/2019.

Kim ngạch thị trường Mỹ đạt 86,68 triệu USD, chiếm 17,6%, giảm 27,5% so với tháng 12/2019 và cũng giảm 26,3% so với tháng 1/2019; Xuất khẩu sang EU đạt 69,46 triệu USD, chiếm 14,1%, giảm tương ứng 28,9% và 35,7%; Hàn Quốc đạt 50,43 USD, chiếm 10,3%, giảm tương ứng 27,2% và 31,5%; Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt 45,03 triệu USD, chiếm 9,2%, giảm tương ứng 22% và 32%.

Ảnh minh họa

Mặc dù xuất khẩu giảm nhiều, nhưng nuôi trồng trong nước vẫn tiếp tục được giữ vững. Nuôi trồng thủy sản trong tháng 1 ước đạt 259.900 tấn, tăng 2,9% so với tháng 1/2019, trong đó cá đạt 194.400 tấn, tăng 1,6%; tôm đạt 36.700 tấn, tăng 8,3%. Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 242.400 tấn, tăng 0,5% so với tháng 1/2019; trong đó, sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 229.400 tấn, tăng 0,6%, trong đó cá 176.900 tấn, tăng 1,1%; tôm đạt 9.500 tấn, giảm 1%.

Tắc nghẽn ở cửa khẩu

Dịch bệnh xảy ra, việc lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu rất khó khăn và hạn chế do các phía Việt Nam và Trung Quốc đều thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Đến cuối tháng 2, thông tin cho biết các tỉnh Quảng Đông, Quảng Châu dịch bệnh đã được kiểm soát, không nghiêm trọng như Vũ Hán, song người dân, doanh nhân đều rất thận trọng trong việc đi lại, tiếp xúc chỗ đông người.

Theo VASEP, xuất khẩu qua các cửa khẩu hiện chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, vì thế, việc đóng cửa các cửa khẩu do COVID-19 có thể làm giảm ít nhất 20% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm.

VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong quý I/2020 sẽ bị giảm ít nhất là 40% so với quý trước. Một kịch bản xấu hơn, nếu dịch COVID-19 kéo dài đến tháng 8 thì xuất khẩu sang Trung Quốc nửa đầu năm sẽ giảm 30%, còn 400 triệu USD.

Giám đốc một công ty du lịch tại TPHCM cho biết: “Một số thương gia Trung Quốc muốn gia hạn visa tại Việt Nam, nhưng công việc kinh doanh của họ không dễ dàng, vì các hợp đồng rất khó ký kết vào lúc này”.

Liên tục những ngày gần đây, dịch COVID-19 cũng bùng phát ở Hàn Quốc với hàng trăm người nhiễm bệnh, việc hạn chế đi lại được áp dụng tại nhiều thành phố của quốc gia này. Du khách, thương nhân đến từ vùng dịch buộc phải cách ly 14 ngày. Chắc chắn xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Năm 2018, Hàn Quốc cũng là đối tác thương mại lớn của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 65,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 18,24 tỷ USD; nhập khẩu đạt 47,6 tỷ USD.

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 39,9% tổng xuất khẩu mực, bạch tuộc của nước ta đi các thị trường.  Đây cũng là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 5 của Việt Nam.

Đầu năm tới nay, xuất khẩu cá ngừ giảm 30% đạt khoảng 40 triệu USD, xuất khẩu mực – bạch tuộc giảm tới 50% còn 33 triệu USD. Chị Chi, một doanh nhân có nhiều đối tác Nhật Bản cho biết: “Diễn biến dịch bệnh tại Nhật Bản phức tạp dần lên và nhiều đối tác Nhật Bản đã hủy bỏ các chuyến làm việc tại Việt Nam, do họ phải đối phó với dịch bệnh tại Nhật Bản cũng như xem xét lại nhu cầu thị trường”. Trong nhóm các thị trường chủ lực, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản giảm 20% trong tháng 1/2020.

 Tìm đầu ra cho sản phẩm

Các chuyên gia đều cho rằng COVID-19 vừa là thách thức vừa là cơ hội cho xuất khẩu. Do các quốc gia bị ảnh hưởng, dịch cúm sẽ sút giảm sản lượng nuôi trồng đánh bắt thủy sản, đồng thời nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản đông lạnh và chế biến sẽ gia tăng. Xu thế mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị sẽ được thay thế bằng việc mua bán online và giao hàng tại nhà.

Năm 2019, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị đạt 622,7 triệu USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu. Trước thực tế xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc sụt giảm mạnh và có thể còn gián đoạn một thời gian nữa, đang đặt ra vấn đề xây dựng các kho lạnh để lùi thời gian giao hàng và sẽ xuất khẩu cá tra mạnh vào Trung Quốc khi dịch bệnh được khống chế và giao thương được thúc đẩy.

Tuy nhiên, với ngành tôm thì dự kiến sẽ khó khăn hơn. Do nhập khẩu tôm vào Trung Quốc giảm mạnh, có nguy cơ dẫn tới việc dôi dư nguồn cung tôm nguyên liệu tại Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan (những nước xuất khẩu nhiều vào Trung Quốc) dẫn tới giá tôm nguyên liệu trên thế giới sụt giảm.

Các vùng nuôi và doanh nghiệp ngành tôm đang có kế hoạch điều chỉnh sản lượng nhằm giữ giá tôm, tránh cung lớn hơn cầu trong thời gian tới đây.

 Không bi quan

Trong vài thập niên qua, thế giới đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh, bởi vậy, WHO cũng như các tổ chức quốc tế đã có khá nhiều kinh nghiệm ứng phó. WHO cũng đánh giá việc kiểm soát dịch bệnh của thế giới là tương đối tốt và chưa tới mức xảy ra đại dịch.

Bất luận dịch bệnh như thế nào thì đời sống, sản xuất, sinh hoạt sẽ tốt hơn. Trung Quốc đã dần nới lỏng các quy định đi lại, giao thương. Phần lớn chuyên gia Trung Quốc cho rằng đỉnh điểm của dịch bệnh diễn ra vào cuối tháng hai và tình hình sau đó sẽ diễn tiến sáng lên.

Đối với ngành thủy sản Việt Nam, việc khó khăn trong xuất khẩu cũng có thể được giải cứu bằng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Phong trào giải cứu tôm hùm phổ biến khắp nơi, duy trì ở mức giá người nuôi không bị lỗ. Trong trường hợp khủng hoảng cá tra, việc tiêu thụ nội địa cũng là một giải pháp hết sức khả thi.

VASEP dự báo, nếu dịch COVID-19 chấm dứt trong quý I/2020 thì xuất khẩu thủy sản sang  Trung Quốc vẫn có thể đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2019.

Ý kiến của các doanh nghiệp ngành thủy sản nói chung, đều mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, nhất là vấn đề lãi suất cũng như tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để vượt qua giai đoạn khó khăn do COVID-19 gây ra trên toàn cầu.