Thủy sản Alaska kiệt quệ sau chiến tranh thương mại và Covid-19

Đã 2 năm kể từ ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại bằng các đòn thuế trả đũa lên mặt hàng thủy hải sản giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, phải gánh thuế là người Mỹ chứ không phải Trung Quốc.

Thủy hải sản là mặt hàng xuất khẩu có trị giá kim ngạch lớn nhất của bang Alaska từ trước tới nay, đạt tỷ trọng trên 30%. Do đó, đòn thuế trả đũa gây tổn thất to lớn đối với các công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản tại bang này.

Theo một phân tích của Viện marketing thủy hải sản Alaska, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt mức cao nhất vào năm 2017 với gần 1 tỷ USD. Tới năm 2018, xuất khẩu thủy sản của Alaska đã giảm tới 204 triệu USD, mức giảm mạnh nhất so các năm trước đó. Và tới năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc cũng hạ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010 là 702 triệu USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản giảm trên 250 triệu USD chỉ trong vòng 2 năm.

Ảnh minh họa

Suốt thời gian này, Trung Quốc tăng 91% nhập khẩu thủy hải sản từ các quốc gia khác như Nga, Na Uy, Canada, và New Zealand với kim ngạch tăng từ 8,1 tỷ USD lên 15,4 tỷ USD.

Trong khi con số thống kê chính xác còn tùy từng sản phẩm và loài thủy sản, ASMI cho biết thuế trung bình lên mặt hàng thủy sản Alaska vào thị trường Trung Quốc là 38%. Cao hơn nhiều nếu so sánh với mức thuế tương tự của nhiều đối thủ khác như Nga, Na Uy và Canada là 8%, và 0% của thủy sản New Zealand và Chilê khi vào thị trường Trung Quốc.

Tiêu thụ thủy hải sản ở Trung Quốc đã tăng trưởng bùng nổ, theo ASMI, từ 8,1 tỷ USD lên 15,4 tỷ USD từ năm 2018. Do đó, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu thủy sản từ những nguồn cung khác để thay Alaska nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, đồng thời tránh thuế trả đũa từ Mỹ.

Không chỉ kiệt quệ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ngành thủy sản Mỹ cũng tiếp tục chịu cạnh tranh gay gắt với thủy sản nhập khẩu giá rẻ từ Nga. Dữ liệu thương mại cho thấy Mỹ đã nhập khẩu gần 700 triệu USD hải sản khai thác tự nhiên từ Nga vào năm 2019, mặc dù Nga đã cấm nhập khẩu thủy sản Mỹ từ năm 2014.

Các chính sách thương mại Mỹ xung đột với lợi ích của ngành thủy sản, cộng với những tác động từ Covid-19 lên thị trường chính là những đòn giáng dồn dập lên cộng đồng ven biển và ngư dân Alaska.