Thủy điện – Những quả ‘bom nước’ treo trên núi cao

Không phải đến bây giờ khi thủy điện XePian – XeNamnoy nằm ở hai tỉnh Champask và Attapeu của Lào bị vỡ, người ta mới ngộ ra rằng: Thủy điện đang là mối hiểm họa khủng khiếp cho con người. 

Tỉnh miền núi Yên Bái hiện có 53 nhà máy thủy điện đã phát điện, đang xây dựng và khảo sát. Những hồ chứa của các nhà máy thủy điện nằm trên các sườn núi cao từ 600 – 700m, chẳng khác gì những quả “bom nước” khổng lồ chờ chực nổ mỗi khi mùa mưa bão về…

Vây hãm cánh đồng và sự sống người dân

Theo thống kê của Sở Công thương Yên Bái, tất cả các dòng sông, suối của tỉnh Yên Bái có nguồn năng lượng đều được khảo sát và xây dựng các nhà máy thủy điện. Tỉnh Yên Bái hiện có 53 dự án thủy điện, trong đó có 18 nhà máy đã phát điện, 7 nhà máy đang thi công, đến quý III/2018 một số nhà máy hoàn thành, một số nhà máy hết năm 2019 sẽ phát điện; 12 dự án thủy điện đang chuẩn bị khởi công; 16 dự án đã cấp thỏa thuận khảo sát sẽ được các chủ dự án triển khai trong vài năm tới.

17-39-47_m1
Thủy điện Mường Kim xây dựng trên dòng Nậm Kim huyện Mù Cang Chải

Một hệ thống thủy điện dày đặc trên các dòng sông, dòng suối không chỉ phá vỡ môi sinh, môi trường và dòng chảy tự nhiên mà còn đang vây hãm các cánh đồng và đe dọa cuộc sống người dân sống dọc các con sông, con suối có các nhà máy thủy điện.

Cánh đồng Mường Lò lớn thứ hai vùng Tây Bắc, với diện tích gần 3.000ha trong đó có hơn 2.000ha ruộng nước, được các dòng suối Thia, Nậm Đông, suối Xuân, Bản Hát, Bản Lừu, Nậm Mười, Nậm Mìn… bồi đắp từ triệu triệu năm trước. Từ lâu, cánh đồng Mường Lò nổi tiếng là vùng gạo trắng nước trong, nơi quần tụ của các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Tày… từ mấy trăm năm nay. Cánh đồng Mường Lò còn là một vùng văn hóa Thái đặc sắc, mà tiêu biểu là 6 điệu xòe cổ và Hạn Khuống đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Kể từ khi các nhà máy thủy điện Noong Phai, Nậm Đông, Xà Hồ, Nậm Tục… tiến hành xây dựng trên dòng suối Thia và Nậm Đông thì cánh đồng Mường Lò bị đe dọa nghiêm trọng.

17-39-47_m2
Nhà máy thủy điện Khao Mang Thượng trước giờ tích nước

Trận lũ lịch sử ngày 11/10/2017 khởi nguồn từ huyện Trạm Tấu nơi có những nhà máy thủy điện Hát Lừu, Nậm Tục, Nậm Đông III, Nậm Đông IV… đồng loạt xả lũ đã phá tan tành cánh đồng bản Hát, xã Hát Lừu huyện Trạm Tấu với diện tích gần 50ha, cánh đồng Mường Lò gần 100ha bị lũ cuốn bay và vùi lấp, cầu Thia bị sập, hàng chục ngôi nhà của người dân sống cạnh các con suối bị cuốn trôi, sập đổ. Mặc dù các hồ chứa của các nhà máy thủy điện này không có chức năng điều tiết lũ, nhưng việc xả lũ đồng loạt do sợ vỡ đập là hiện tượng lũ chồng lũ gây ra hiểm họa khôn lường cho người dân.

17-39-47_m6
Cánh đồng bản Hát bị tàn phá sau lũ

Vụ xuân 2018, thủy điện Noong Phai do không duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định 1,25 m3/s, dẫn tới thiếu nước cục bộ, nhất là thời gian người dân lấy nước cày, cấy. Nhà máy chỉ phát điện 5 giờ/ngày trong thời gian cao điểm, dẫn tới diện tích thiếu nước 50ha, trong đó có 4ha thuộc xã Nghĩa Lợi, TX Nghĩa Lộ phải chuyển đổi sang trồng hoa màu.

17-39-47_m4Thủy điện Noong Phai xây dựng trên dòng suối Thia

Sông, suối bị sa mạc hóa do thủy điện

Tỉnh Yên Bái có 3 con suối lớn cung cấp nguồn điện năng dồi dào, đó là suối Thia có 9 bậc thang thủy điện ở dòng chính và các chi lưu. Vào mùa khô các nhà máy đồng loạt tích nước để phát điện vào giờ cao điểm để bán với giá điện cao hơn giờ bình thường, dòng Thia trở thành dòng suối chết. Người ta không cần xắn quần có thể lội qua được, nhiều bãi cát trở thành sân bóng đá của trẻ chăn trâu, hệ thủy sinh trên dòng suối này đã bị tiêu diệt.
17-39-47_m7
Suối Thia đang bị sa mạc hóa vì thủy điện

Thủy điện Nậm Tục trên chi lưu của suối Thia đặt ở xã Phúc Sơn, mùa khô người dân xã Sơn A (Văn Chấn), Nghĩa Phúc (TX Nghĩa Lộ) nhiều năm phải vác dao, gậy gộc lên yêu cầu nhà máy thủy điện xả nước, họ phải đứng canh nhiều giờ để lấy nước vào đồng ruộng cho cày cấy.

Trên suối Nậm Kim ở huyện Mù Cang Chải có 6 nhà máy thủy điện đã phát điện và đang xây dựng. Vào mùa khô dòng suối Nậm Kim đã bị sa mạc hóa vì không có nước, đá trơ tận đáy, mùa lũ đồng loạt xả nước khiến cánh đồng xã Mường Kim (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) bị tàn phá nặng nề.

17-39-47_m3
Dòng suối Nậm Kim huyện Mù Cang Chải cạn khô

Dòng suối ngòi Hút hiện có 5 nhà máy thủy điện đã xây dựng và đang xây dựng, khảo sát, trong đó có 3 nhà máy đã phát điện. Xã Phong Dụ Thượng huyện Văn Yên có tới hai nhà máy thủy điện là Ngòi Hút I và Ngòi Hút 2A thì dòng suối tan hoang là không thể bàn cãi.

Bài viết “Thủ phạm giấu mặt gây hạn hán và lũ quét?”, chỉ rõ các nhà thủy điện là thủ phạm giấu mặt gây ra hạn hán và lũ lụt cho người dân Yên Bái. Một điều tệ hại nữa là hàng triệu khối đất đá do các nhà máy thủy điện đào đắp, san ủi mặt đường đều đổ xuống suối, gây bồi lắng, nâng cao lòng suối lên. Khi lũ về, nước dâng cao tàn phá ruộng đồng và hàng trăm ngôi nhà của người dân sống dọc bờ suối và các công trình thủy lợi, đường sá, cầu cống.

Với hàng ngàn quả “bom nước” của các nhà máy thủy điện treo trên các sườn núi ở khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên sẽ “nổ” bất cứ lúc nào khi mùa mưa tới sẽ là thảm họa khôn lường không chỉ cho người dân miền núi mà người dân thành phố và đồng bằng sẽ phải gánh chịu.