Thủ tướng chủ trì họp trực tuyến ứng phó bão số 16

Chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để chỉ đạo ứng phó bão số 16 – cơn bão Tembin. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 5 tỉnh Đông Nam Bộ và TPHCM.

21

Thủ tướng chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão số 16

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hiện nay, bão số 16 đang ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa, đến chiều ngày 25/12, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Côn Đảo; tối và đêm ngày 25/12, bão ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau với gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; sau đó tiếp tục gây nguy hiểm cho vùng biển Cà Mau – Kiên Giang và các địa phương trong đất liền với gió cấp 8, giật cấp 11.

Bộ trưởng Nông nghiệp&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão số 16 (Tembin) là cơn bão rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, sau khi tràn qua Philippines đã khiến 200 người chết, 160 người mất tích.

“Đây là cơn bão rất nguy hiểm, bão trái mùa, tốc độ rất nhanh và cường độ lớn, vào biển Đông được nuôi dưỡng thêm nguồn nhiệt nên mạnh thêm. Trong khi khu vực này dân cư đảo rất đông, hoạt động kinh tế đa dạng. Toàn tuyến có tới 23 điểm xung yếu, sóng biển kết hợp triều cường cao 8-10m nên khi bão vào cực kỳ nguy hiểm”, Bộ trưởng Cường nói.trưởng cũng lo lắng khi khu vực ĐBSCL toàn bộ là đồng bằng, các thiết chế hạ tầng, kinh nghiệm ứng phó các cấp, người dân còn hạn chế nên bão vào sẽ tổn thương rất sâu.

“Đây là những vấn đề đặt ra rất cấp bách. Rủi ro dự báo là cấp 4 nhưng phải sẵn sàng ứng phó, hành động tương ứng rủi ro cấp 5 – cấp cuối cùng để chủ động ứng phó”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, để ứng phó với bão số 16, 9 tỉnh Nam Bộ sẽ phải di dời trên 85.000 dân. Tuy nhiên đến chiều nay mới có 4 tỉnh báo cáo, với số lượng di dời trên 13.000 người.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, đến chiều nay, toàn tỉnh đã chằng chống được 12.000/26.000 ngôi nhà. Trong đó 17.000 hộ nghèo được tỉnh hỗ trợ tiền mua vật tư chằng chống.

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, ngay trong sáng mai, ông sẽ trực tiếp cùng Bộ trưởng NN&PTNT vào các điểm xung yếu tại Nam Bộ để kiểm tra công tác chống bão số 16.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải ứng phó linh hoạt mọi tình huống, tuỳ cơ ứng biến, triển khai 4 tại chỗ. Cả hệ thống chính trị, DN, người dân phải tập trung vào cuộc chứ không riêng chính quyền.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là cơn bão rất lớn, nếu chủ quan, sơ xuất trong chỉ đạo sẽ gây thiệt hại rất lớn.

Thủ tướng yêu cầu, tất cả địa phương và người dân theo dõi sát thông tin, bằng mọi phương tiện tuyên truyền tới từng người dân; Đài khí tượng, Bộ TN&MT theo dõi sát cơn bão với tất cả khả năng, kịp thời thông báo đến các địa phương và nhân dân.

Các tỉnh phải có những biện pháp cần thiết di dời dân đến vùng an toàn. Huy động các lực lượng công an, quân đội, thanh niên… hỗ trợ dân chằng chống nhà cửa.

Trên biển, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn cho giàn khoan, cần thiết đóng giàn khoan để đảm bảo an toàn cho công nhân.

“Yêu cầu các địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão. Các vùng trọng điểm nguy hiểm như Bình Thuận, Vũng Tàu, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, TP.HCM và Bến Tre phải theo dõi sát, cần thiết cho học sinh nghỉ học, đôn đốc từng gia đình để giảm thiểu thiệt hại khi bão đến”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT&TT tiếp tục nhắn tin đến các thuê bao để thông báo bão, giúp người dân đề cao cảnh giác và có biện pháp khắc phục.

Đồng thời, đề nghị các cấp, ngành, địa phương có phương án khắc phục cụ thể sau bão số 16, không để nhân dân gặp khó khăn, thiếu đói, bệnh tật ngay sau bão.

Bộ NN&PTNT