Thử thách lớn cho ngành tôm

Hiện nay, hầu hết các dự báo đều cho rằng thị trường tôm sẽ tốt lên, cơ hội của tôm Việt Nam rất lớn. Thế nhưng, người nuôi tôm vẫn rất thận trọng bởi lo sợ rủi ro tiềm ẩn. Điều này đang làm ngành tôm phát triển chậm lại, ổn định về giá nhưng cũng rất dễ đánh mất cơ hội khi “cờ đến tay”.

Không dám mạo hiểm…

Tuy giá tôm đã tăng trở lại, nguồn tôm nguyên liệu vẫn đang được tiêu thụ tốt, các doanh nghiệp vẫn đang thu mua, chế biến một cách bình thường, nhưng tất cả vẫn canh cánh bên mình nỗi lo cho sự bất ổn có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với ngành tôm. Điều đáng lo nhất đối với doanh nghiệp hiện nay chính là làm sao đảm bảo không để dịch COVID-19 lây nhiễm trong đội ngũ cán bộ, công nhân. Nếu diễn biến dịch COVID-19 kéo dài hơn dự kiến cũng sẽ tác động làm giảm sức tiêu thụ, gây xáo trộn không nhỏ đến kế hoạch và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL đã tăng lên mức kỷ lục so với cùng kỳ 2015

Theo các doanh nghiệp, do ảnh hưởng nắng nóng, sự xuất hiện của bệnh đốm trắng, gan tụy trên tôm và tình hình dịch COVID-19 đã khiến tiến độ thả giống vựa tôm ĐBSCL chậm lại so với cùng kỳ. Điều này tuy có cái lợi trước mắt là giá tôm được giữ vững và có phần tăng lên từ đầu tháng tư đến nay, nhưng sẽ làm cho các nhà máy chế biến bị thiếu hụt nguyên liệu chí ít cũng trong 2 tháng 5 và 6. Đây cũng chính là mối lo của các doanh nghiệp, bởi nếu như kịch bản dịch COVID-19 được giải quyết sớm trong quý II, nhu cầu tôm thế giới tăng mạnh trở lại, cả doanh nghiệp và người nuôi tôm đều mất cơ hội có được giá tốt.

Cũng xuất phát từ nỗi lo dịch COVID-19 đã khiến người nuôi tôm thêm phần đắn đo trong quyết định thời điểm thả giống ở vụ nuôi mới này, khi giá tôm trong 3 tháng đầu năm cứ liên tục biến động theo diễn biến của dịch. Mặt khác, thời tiết nắng nóng và độ mặn tăng quá cao cũng khiến cho việc thả nuôi thêm phần khó khăn, buộc họ phải thu hẹp diện tích thả nuôi để thăm dò, chờ thời điểm thuận lợi nhất mới gia tăng diện tích.

… vì khó đủ đường

Thời gian qua, giá tôm giảm mạnh do tác động của COVID-19 nhất là tôm sú, khi trong tháng 3 đã giảm tới 29,3% so cùng kỳ năm trước. Lý do là tôm sú chủ yếu cung cấp cho hệ thống các nhà hàng, quán ăn, trong bối cảnh dịch lan tràn khiến hàng loạt nhà hàng, quán ăn ở các nước buộc phải đóng cửa. Còn nhìn chung, cả ngành nuôi tôm nước lợ đều gặp khó khăn do tiêu thụ chậm, hạ giá và thời tiết bất lợi.

Điển hình cho khó khăn của người nuôi tôm là vùng Ngũ Điền nuôi tôm trên cát ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế), bị tồn đọng lớn. Đây là vùng trọng điểm nuôi tôm của tỉnh với 400 ha, chiếm 80% tổng diện tích toàn tỉnh 500 ha, đến giữa tháng 4/2020 còn tồn đọng khoảng 1.200 tấn tôm. Chỉ riêng xã Phong Hải trong vùng đã thống kê bị thiệt hại do tôm tồn đọng và giảm giá là 130 – 150 tỷ đồng. Trước tình hình đó, tỉnh và huyện tập trung tìm đường tiêu thụ tôm cho nông dân. Chi cục Thủy sản liên hệ với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam và được đồng ý tiêu thụ với tinh thần “đôi bên cùng có lợi”, hạn chế tối đa thiệt hại cho người nuôi.

Vùng ĐBSCL nuôi tôm đang đối diện hạn mặn khốc liệt, phát sinh nhiều dịch bệnh. Điển hình là tỉnh Kiên Giang, nơi có diện tích tôm – lúa lớn mà bình thường khá an toàn thì nay cũng đang phải căng mình ra chống đỡ để hạn chế thiệt hại.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, tỉnh cơ bản thả nuôi theo kế hoạch mùa này 130.700 ha. Trong đó, tôm – lúa 100.000 ha chiếm 77% tổng diện tích; quảng canh, quảng canh cải tiến 27.500 ha chiếm 21%; còn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp 3.200 ha chiếm 2%. Đến nay, sản lượng thu hoạch hơn 10.000 tấn, tăng 3,3% so cùng kỳ năm 2019.

Thế nhưng, từ đầu vụ đến nay, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại đã hơn 4.240 ha; trong đó thiệt hại do tôm bị sốc môi trường 3.834 ha, còn lại do dịch bệnh. Ở vùng tôm – lúa chính là U Minh Thượng và nuôi tôm công nghiệp ở Tứ giác Long Xuyên hầu hết độ mặn 25‰, có nơi đến 36‰, bất lợi cho tôm sinh trưởng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Nguyễn Đình Xuyên cho biết: “Hiện nay tình hình thời tiết có nhiều bất lợi, ảnh hưởng không tốt đến sức đề kháng của tôm nuôi và thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển mạnh. Nhất là tình trạng ban ngày nắng nóng gay gắt và bắt đầu có mưa vào buổi chiều, môi trường biến động nên dịch bệnh tôm nuôi dễ tăng cao. Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ hàng chục tấn hóa chất cho bà con nông dân xử lý diệt mầm bệnh và đang triển khai nhiều giải pháp bảo vệ tôm”.

Chờ cơ hội tốt

Việc cả doanh nghiệp lẫn người nuôi đều lo lắng cho vụ tôm năm nay là điều có thể hiểu được, bởi trước mắt vẫn còn đó những rủi ro khó lường đến từ thời tiết, dịch bệnh và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, qua diễn biến ngành tôm trong 4 tháng đầu năm cùng những phân tích, dự báo trên có thể thấy cơ hội dành cho ngành tôm là không nhỏ, nếu tất cả biết cùng nhau vượt qua nỗi lo để nắm thời cơ.

Một điều rất dễ nhận thấy là ngay trong thời điểm nắng nóng gay gắt, độ mặn tăng cao phát sinh bệnh đốm trắng và gan tuy trên tôm, nhưng những trang trại nuôi tôm lớn, những nông hộ nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao, dù thả giống sớm vẫn thu được kết quả rất khả quan. Còn đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ngoại trừ những doanh nghiệp có thị trường chính là Trung Quốc gặp khó khăn, còn lại hầu hết đều không bị tác động nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn tranh thủ được hợp đồng đảm bảo sản xuất từ nay đến hết quý II/2020.

Thời gian của vụ tôm nước lợ năm 2020 vẫn còn dài, những dấu hiệu thuận lợi cũng bắt đầu xuất hiện ngày một rõ ràng hơn, nên dẫu cho những kế hoạch ban đầu có đôi chút xáo trộn, nhưng nếu tất cả cùng bình tĩnh nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, đúng đắn sẽ thấy bên cạnh những rủi ro là cả một cơ hội lớn luôn sẵn sàng dành cho những ai biết vượt qua nỗi sợ hãi và nắm bắt đúng thời cơ.