Thu lãi cao từ mô hình trồng nấm hồng chi

So với trồng các loại nấm bào ngư, nấm rơm, nấm mèo…, mô hình trồng nấm hồng chi của gia đình bà Vũ Nguyên Chinh (thôn Suối Nghệ, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn.

Mô hình trồng nấm hồng chi của bà Vũ Nguyên Chinh hiện đang cho thu nhập ổn định.

Mô hình trồng nấm hồng chi của bà Vũ Nguyên Chinh hiện đang cho thu nhập ổn định.

Là người có gần chục năm gắn bó với nghề trồng nấm, trước đây gia đình bà Chinh bắt đầu khởi nghiệp từ trồng nấm mèo, nấm rơm, sau đó tận dụng các bịch phôi đã qua sử dụng để trồng nấm bào ngư. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, mô hình trồng nấm bắt đầu nở rộ tại địa phương, do vậy đầu ra không còn ổn định như trước đây.

Đầu năm 2020, bà Chinh được một người bạn tại TX. Phú Mỹ giới thiệu trồng thử 2.000 phôi nấm hồng chi. Vụ đầu tiên bà thu được hơn 20kg nấm thương phẩm. Nhận thấy nấm hồng chi trồng và chăm sóc không quá khó, nhưng năng suất và giá thành lại cao hơn, bà tiếp tục tận dụng giàn trồng nấm đã có sẵn từ trước rồi trồng thêm 10.000 phôi nấm hồng chi. Vốn đã có kinh nghiệm trồng nấm từ trước, chỉ sau hơn một tháng trồng, 10.000 phôi nấm hồng chi phát triển tốt, chất lượng hơn hẳn so với vụ đầu.

Nói về lý do chọn trồng nấm hồng chi, bà Chinh cho hay, đây là loại nấm có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, dễ bảo quản, không tốn diện tích, năng suất hơn hẳn so với trồng nấm khác. Tại địa phương chưa ai trồng loại nấm này. Lúc đầu bà chỉ có ý định trồng thử, nhưng kết quả đạt ngoài mong đợi, nên bà quyết định mở rộng mô hình.

Với chỉ 100m2 đất, bà trồng được khoảng 10.000 bịch phôi nấm. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, bà thu hoạch được hơn 2 tạ nấm, giá bán 480.000/kg. Sau khi trừ chi phí, bà thu về 50-60 triệu đồng/vụ. Hiện toàn bộ sản phẩm nấm hồng chi của bà đều được đầu mối cung cấp phôi giống thu mua. “Nhu cầu về loại nấm này rất lớn, dù đã có nhiều nơi đặt mua hàng, nhưng hiện tại vườn nấm của tôi chưa thể cung cấp đủ số lượng, do vậy tôi chỉ mới nhận lời bán cho các mối quen”, bà Chinh cho biết thêm.

Theo bà Chinh, nấm hồng chi trồng không quá khó nhưng đòi hỏi phải nắm rõ kỹ thuật cơ bản, phôi mới cho nấm to, đều, đẹp. Nấm hồng chi ưa ánh sáng, nhưng tránh ánh nắng trực tiếp nên buộc phải trồng trong nhà giàn. Nếu trồng trong điều kiện không đủ sáng, phôi sẽ không cho nấm, ngược lại, tiếp xúc ánh sáng quá nhiều chân nấm dài, tay nấm nhỏ và sinh trưởng chậm. Quan trọng nhất là phải giữ độ ẩm trong nhà giàn, nấm phát triển tốt nhất với độ ẩm khoảng 75 độ C, nhiệt độ trung bình 20-30 độ C, có thể tưới khoảng 1-2 lần/ngày (tùy thuộc vào độ ẩm). Không cần cung cấp thêm dưỡng chất, bởi trong phôi đã có đủ phân, mùn cho nấm phát triển. Khi thu hoạch cần lưu ý không để cho mặt có màu vàng chanh bị lem để có thể bán được giá cao hơn. Nấm hồng chi nếu được chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch 2 lần/vụ, mỗi năm có thể trồng khoảng 3 vụ.

Ông Đào Bá Hội, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức cho biết: Nấm hồng chi là mô hình mới tại địa phương. Đây là loại nấm cho giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với các loại khác. Đặc biệt, đây là mô hình nông nghiệp tốn ít thời gian chăm sóc, ít vốn đầu tư nhưng có giá trị kinh tế. Đối với các mô hình mới, Hội Nông dân cũng chủ động hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, mở các lớp tập huấn nhằm nhân rộng mô hình, giúp các hộ gia đình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.