Thịt ở Mỹ trở nên đắt đỏ, châu Âu cảnh báo về làn sóng dịch bệnh mới

Theo Bloomberg, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thực phẩm đang diễn ra do đại dịch Covid-19, thịt bỗng nhiên trở thành thực phẩm dành riêng cho người giàu khiến những người bình thường ở Mỹ khó tiếp cận mặt hàng này.

Theo đó, thịt đã bắt đầu biến mất khỏi doanh số bán hàng tại các cửa hàng bình thường của Mỹ. Đồng thời, tình hình ngược lại ở các cửa hàng bán lẻ cao cấp, nơi chủ yếu bán cho những người có thu nhập cao.

Các doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ như Tyson Foods và Cargill đã bắt đầu đóng cửa trong những tuần gần đây do sự bùng phát của dịch Covid-19. Thực tế là phần lớn nhân viên của các doanh nghiệp này là người nhập cư từ các gia đình có thu nhập thấp. Do sự bùng phát dịch bệnh ở Mỹ, khối lượng chế biến thịt giảm, ảnh hưởng đến các cửa hàng tạp hóa thông thường.

Thịt ở Mỹ trở nên đắt đỏ, châu Âu cảnh báo về làn sóng dịch bệnh mới
Thịt trở nên khó tiếp cận với người thu nhập thấp ở Mỹ. Ảnh: Reuters.

Theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, ngành chế biến thịt lợn và thịt bò của Mỹ hiện mất đi lần lượt 33% và 14% năng lực sản xuất, do dịch bệnh Covid-19 càn quét qua các bang tập trung các cơ sở giết mổ, đóng gói. Chủ tịch Tyson Foods John Tyson, cho biết các cửa hàng tại Mỹ sẽ lâm vào tình cảnh khan hiếm thịt cho đến khi các nhà máy trong chuỗi cung ứng của tập đoàn nối lại sản xuất.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thịt không ảnh hưởng đến phân khúc đắt tiền, ví dụ, thịt hữu cơ, có thể có giá gấp hai hoặc nhiều lần so với thông thường. Các doanh nghiệp như vậy không phải đóng cửa vì nhân viên của họ ít hơn và không giống như các nhà máy lớn, họ có thể giám sát công tác giữ khoảng cách xã hội và tiêu chuẩn vệ sinh.

Mike Kallikrath, một chủ trang trại và nhà máy chế biến thịt ở Kansas (Mỹ), cho biết hoạt động kinh doanh thịt bò, thịt lợn và gia cầm của anh đang bùng nổ hơn gấp đôi. Đây là những khách hàng muốn dự trữ thịt đắt tiền.

Ngoài ra, người tiêu dùng phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng và mất thu nhập, ảnh hưởng đến sự lựa chọn thực phẩm của họ: liệu có nên chi trả nhiều tiền hơn cho thịt hoặc chấp nhận không có nó.

Đại dịch Covid-19 ít tác động đến việc sản xuất các sản phẩm thịt cao cấp. Gia súc được nuôi trong đồng cỏ hữu cơ và được chế biến trong các nhà máy tương đối nhỏ hoặc trong các cửa hàng bán thịt địa phương. Tổ chức sản xuất như vậy sẽ dễ dàng hơn để duy trì khoảng cách xã hội, và các công ty có nhiều khả năng tuân thủ các biện pháp vệ sinh dịch tễ.

Mới đây, Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch buộc các nhà máy chế biến thịt hoạt động để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người Mỹ, nhưng bị các liên đoàn lao động phản đối.

Theo thống kê của UFCW – liên đoàn lao động ngành thịt Mỹ, hơn 6.500 lao động chế biến thực phẩm đã mắc Covid-19, và 20 người đã thiệt mạng. Theo cơ quan này, việc xảy ra sự lây nhiễm virus là do ở khu vực này rất khó tổ chức để người lao động có thể giãn cách xa nhau.

Trong một diễn biến khác, mới đây, người đứng đầu Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Châu Âu, ông Hans Kluge cho hay, châu Âu cần chuẩn bị cho một làn sóng dịch bệnh virus corona thứ hai có thể xảy ra vào mùa thu này.

Cụ thể, đại diện của WHO cảnh báo rằng dự kiến vào mùa thu có thể xảy ra dịch cúm hoặc sởi. Ông Kluge cho rằng hiện tại là thời gian để chuẩn bị, nhưng không phải là chuẩn bị cho các lễ hội. Ông lưu ý đến việc một số nước trước đó đã đưa ra những quy định hạn chế để chống lại Covid-19 nay lại đang bắt đầu nới lỏng chúng, tuy nhiên, theo ý kiến của ông Kluge đây có thể là một quyết định vội vàng.

Theo ông Kluge, việc số lượng các ca nhiễm bệnh tăng chậm lại không có nghĩa là đại dịch sắp chấm dứt.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến sáng ngày 15/5, trên thế giới có tổng cộng hơn 4,5 triệu người mắc và hơn 300.000 người tử vong do Covid-19, trong đó có hơn 1,6 triệu người được xuất viện trên toàn thế giới. Đến nay, 214 quốc gia/ vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.