Thịt lợn vẫn chưa rẻ dù giá lợn hơi lao dốc

Mặc dù giá lợn hơi trong những ngày qua giảm mạnh khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg, nhưng giá thịt lợn tại một số chợ, siêu thị vẫn neo mức cao, chưa giảm tương ứng so với kỳ vọng của người dân. 

Chú thích ảnh

Tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Ngọc Hà, Hà Nội.

Từ đầu tháng 6/2020 tới nay, giá lợn hơi trên thị trường có xu hướng giảm khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg so với cuối tháng 5/2020. Giá lợn hơi xuất chuồng tại hầu hết các địa phương đã giảm xuống dưới mốc 90.000 đồng/kg. Cụ thể: Ngày 18/6, giá lợn hơi tại miền Bắc giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg, phổ biến dao động 88.000 – 91.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung và miền Nam hiện quanh mức 82.000 – 88.000 đồng/kg.

Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức mấy ngày gần đây, tại một số chợ truyền thống Hà Nội như: Chợ Hôm, chợ Bắc Qua, chợ cóc phố Bạch Mai, giá thịt lợn loại ba chỉ vẫn không thay đổi so với trước, dao động từ 170.000 – 180.000 đồng/kg; thịt mông sấn 150.000 đồng/kg; nạc vai 170.000 – 180.000 đồng/kg, nạc thăn 150.000 – 160.000 đồng/kg, thịt chân giò 160.000 đồng/kg.

Tại chợ Ngọc Hà ngày 18/6, giá thịt lợn bán lẻ một số loại đã giảm 10.000 đồng/kg. Giá thịt ba rọi hiện được bán với giá 170.000 đồng/kg, sườn 150.000 đồng/kg, mông sấn 150.000 đồng/kg. Một tiểu thương tại chợ Ngọc Hà cho biết: “Giá lợn hơi có thể sắp tăng do chủ lò hôm nay báo không có hàng nhiều. Vì vậy không kỳ vọng giá thịt lợn trong nước giảm”.

Chú thích ảnh
Nhiều tiểu thương chia sẻ, giá thịt lợn cao do lấy hàng từ lò giết mổ không hạ nên lượng hàng bán ra chậm.

Còn ở  hệ thống siêu thị Hà Nội, giá thịt lợn tại siêu thị Co.opmart, thịt lợn Meat Deli được bán ra không biến động so với trước. Giá thịt ba rọi tại Co.opmart được niêm yết với giá 192.000 đồng/kg, thịt nạc vai 183.000 đồng/kg, sườn non 212.000 đồng/kg; giá thịt ba rọi thương hiệu Meat Deli là 257.900 đồng/kg, sườn thăn có giá 282.900 đồng/kg, thịt nạc thăn là 160.900 đồng/kg.

Trước tình hình giá thịt lợn vẫn chưa hạ nhiệt dù có rất nhiều chỉ đạo của Chính phủ, giải pháp của các bộ, ngành đưa ra mạnh mẽ thời gian qua. Theo theo chia sẻ của chị Thu Giang (Quận Ba Đình, Hà Nội), người dân đi chợ bây giờ rất khó lựa chọn.

“Giá thịt lợn giờ phải mua gần ngang với giá thịt bò. Do vậy để thay thế, mình đã chọn ăn thịt vịt, thịt gà hoặc hải sản. Tuy nhiên thịt lợn lại là món thiết yếu, dễ ăn nên mỗi lần đi chợ mua thức ăn chính cũng rất đắn đo. Người dân rất mong giá thịt lợn giảm, trở lại bình thường như trước kia”, chị Thu Giang nói.

“Sáng nay đi chợ sớm, tôi vẫn phải mua giá thịt lợn ở mức cao, giá thịt mông sấn và thịt vai chỉ giảm 5.000 đồng/kg. Các loại ba chỉ, chân giò, sườn, nạc thăn vẫn không giảm”, chị Đinh Thị Hồng Vân ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tổng lượng thịt lợn nhập khẩu 5 tháng đầu năm đạt hơn 67.638 tấn, tăng 298% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga. Từ đầu năm đến ngày 30/5, có 129 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt heo và sản phẩm thịt lợn từ các nước vào Việt Nam.

Lý giải về nguyên nhân thịt lợn hơi đã giảm mạnh nhưng giá thịt tại chợ chưa giảm tương ứng, chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú (nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội) nói: “Đây là hiện tượng độ trễ trên thị trường. Độ trễ trên thị trường càng lớn chứng tỏ khâu trung gian càng nhiều khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi. Để giảm thiểu được việc này điều quan trọng nhất là phải giảm được khâu trung gian để lợn thịt từ trang trại đến tay người tiêu dùng chỉ nên qua 2 – 3 khâu là cùng. Cụ thể lợn xuất chuồng nên đến thẳng lò mổ sau đó đến sạp bán thịt hoặc các kênh phân phối khác thì sẽ giảm được nhiều chi phí và giá sẽ sát với thực tế hơn”.

Theo ông Vũ Vinh Phú, để cắt giảm được khâu trung gian, cần sự vào cuộc và kết hợp mạnh mẽ từ Bộ NN-PTNT và Công Thương để quản lý chặt chẽ, nhất là tại các siêu thị. Ông Vũ Vinh Phú dự báo: Thời gian tới, giá lợn hơi sẽ tiếp tục giảm nhưng mức giảm sẽ không lớn. Đến thời điểm cuối năm, giá sẽ lại tiếp tục tăng khi mùa lạnh và các dịp lễ Tết khiến nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Chỉ khi nào có khoảng 500.000 con lợn nhập khẩu về tới Việt Nam thì lúc đó mới có tác động rõ ràng đến thị trường.

Chú thích ảnh
Thịt lợn sạch tại siêu thị khá hấp dẫn người mua nhưng giá bán vẫn khá cao.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN-PTNT, để giải quyết bài toán tăng nguồn cung, hạ giá thịt lợn trong nước, 500 con lợn sống đầu tiên nhập khẩu từ Thái Lan đã về đến Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Doanh nghiệp nhập khẩu đang làm các thủ tục để đưa về khu cách ly tại Nghệ An. Lô hàng nhập khẩu lợn sống này đã được vận chuyển về Việt Nam đêm 17/6 và sẽ phải cách ly 30 ngày trước khi giết mổ và bán ra thị trường. Và, khoảng giữa tháng 7/2020, Việt Nam sẽ có thêm nguồn thịt lợn nhập khẩu tươi sống bên cạnh thịt nhập khẩu đông lạnh.

Tính đến nay, có 15 doanh nghiệp đã làm thủ tục đăng ký nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam; trong đó có 8 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu với số lượng dự kiến hơn 1,9 triệu con.

Trước đó để giải quyết bài toán “cung – cầu”,  ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã đưa ra 2 giải pháp, thứ nhất, cần tập trung việc tái đàn, phục hồi ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn toàn quốc. Đây là giải pháp tối ưu và bền vững, cần ưu tiên triển khai. “Theo báo cáo của các doanh nghiệp và địa phương, nếu không có yếu tố đột biến, sớm nhất phải đến cuối năm 2020 tổng đàn lợn mới có thể hồi phục như thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói. Cách thứ hai để tăng nguồn cung là phải nhập khẩu thịt lợn nhằm bình ổn thị trường.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ NN-PTNT phải tập trung việc tái đàn lợn và phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ ngành, doanh nghiệp trong việc tăng cường nhập khẩu thịt lợn để tăng nguồn cung. Phía Bộ Công Thương khẳng định, cơ quan quản lý thị trường sẽ phối hợp với các bên tăng cường kiểm soát việc đầu cơ trục lợi, việc xuất lậu thịt lợn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các siêu thị tổ chức khuyến mại bình ổn bình giá. Tuy nhiên theo lãnh đạo Bộ Công thương, phương án này cũng chỉ có mức độ bởi không doanh nghiệp nào bù lỗ mãi được bởi có siêu thị đã phải bù lỗ 17 tỷ đồng để bình ổn giá thịt lợn.