Thịt lợn nhập khẩu Nga ‘ngập’ chợ online, người dùng lăn tăn nguồn gốc

Thịt lợn nhập khẩu từ Nga được bán nhiều trên mạng xã hội Facebook với mức giá dao động từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng một kg tùy loại. Trong khi đó, giá thịt lợn trong nước tại chợ dân sinh vẫn cao “ngất ngưởng”.

Những ngày giãn cách xã hội, nhu cầu nhu sắm online tăng cao. Vậy nên, hầu hết các mặt hàng đều được rao bán trên mạng xã hội Facebook, trong đó có thịt lợn nhập khẩu Nga. Về giá thành, theo khảo sát của PV, thịt lợn nhập khẩu Nga rẻ hơn rất nhiều so với thịt trong nước. Chẳng hạn, sườn non giá chỉ khoảng 130.000 đồng/kg; ba chỉ khoảng 150.000 đồng/kg; thịt nạc vai khoảng 80.000 đồng/kg… Trong khi đó, tại chợ dân sinh thịt lợn trong nước đang ở mức giá khá cao, ba chỉ khoảng 180.000 đồng một kg; sườn non 200.000 đồng/kg; thịt nạc các loại 170.000 đồng một kg…

Theo nhiều người dân từng sử dụng thịt lợn nhập khẩu từ Nga, nhìn bề ngoài thịt không khác nhiều so với với thịt chăn nuôi trong nước. Khi chế biến hương vị cũng tương đương. “Tôi mua sườn lợn nhập khẩu từ Nga về làm chua ngọt, giá chỉ 130.000 đồng một kg ăn được 2 bữa. Sau khi rã đông tôi thấy thịt lợn nhập khẩu không khác gì thịt trong nước về hình thức bên ngoài. Khi chế biến không bị sủi bọt đen, miếng thịt vẫn rất thơm ngon. Tuy nhiên, tại các siêu thị không thấy bán nhiều. Tôi mua tại một cửa hàng thực phẩm sạch và cả trên Facebook nên cũng không thực sự an tâm lắm về chất lượng, chỉ mua ăn cho biết thôi”, bà Nga – một người nội trợ sống tại đường Láng thông tin.

Thịt lợn nhập khẩu Nga bán nhiều trên chợ online

 Thịt lợn nhập khẩu Nga sau khi rã đông.

Cũng giống bà Nga, nhiều người không khỏi lăn tăn về chất lượng thịt nhập khẩu dù sau khi rã đông hình dáng miếng thịt vẫn tươi ngon và khi chế biến không khác gì thịt tươi sống bán tại chợ hàng ngày. Trong khi đó, loại thịt này chủ yếu bán trên chợ online và tại một vài cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ.

“Tôi cũng muốn thử thịt lợn nhập khẩu vì giá rẻ. Thế nhưng hiện tại nguồn thịt chủ yếu bán trên Facebook và mấy cửa hàng nhỏ lẻ chứ không bán trong các siêu thị. Vậy nên tôi chưa dám thử. Bởi sợ thịt để đông lạnh nhiều ngày rồi di chuyển quãng đường xa sẽ không đảm bảo về chất lượng. Do đó, dù thịt lợn trong nước tại chợ dân sinh đắt đỏ nhưng tôi vẫn chọn mua cho yên tâm”, bà Hoa (Thái Thịnh – Hà Nội) nói.

Thực tế, nhiều người bán cũng không rõ thịt lợn nhập khẩu được phân phối như thế nào. Chị Nguyễn Minh H. (Cầu Diễn – Hà Nội) – một người bán thịt lợn nhập khẩu Nga cho biết, thường ngày chị hay bán món ăn từ lợn như: giò, chả, chà bông, thịt gác bếp… và nhập hàng tại một đại lý chuyên cung cấp thực phẩm ở quận Nam Từ Liêm. Gần đây thấy đại lý này nhập thịt lợn nhập khẩu từ Nga, chị cũng lấy bán thử do giá thành thấp.

“Thấy giá thành thấp lại được đóng gói cẩn thận nên tôi nhập về bán chứ cũng không rõ đại lý nhập ở đâu. Họ chỉ nói là thịt lợn nhập về từ Nga. Tôi thấy chủ đại lý cũng ăn thịt và khen ngon. Tôi cũng đã ăn thử và thấy không khác gì so với thịt lợn trong nước và giá cũng phải chăng. Thế nhưng, lượng người mua hàng không nhiều, thi thoảng mới bán được vài kg, bởi nhiều người vẫn còn e dè”, chị H. cho biết.

Thịt lợn nhập khẩu Nga bán nhiều trên chợ online

 Nhiều người lo ngại nguồn gốc thịt lợn nhập khẩu khi bán trên mạng xã hội Facebook.

Thiết nghĩ, trước tình trạng giá thịt lợn trong nước chưa có dấu hiệu giảm thì thịt lợn nhập khẩu cũng được coi là giải pháp thay thế hiệu quả nhằm đáp ứng nguồn cầu của thị trường và làm đa dạng các lựa chọn của người tiêu dùng. Đây cũng có thể sẽ góp phần giúp giá thịt trong nước bình ổn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng nên có thông tin rộng rãi về chất lượng cũng như địa điểm bán thịt lợn nhập khẩu để người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Đồng thời cần phân phối sao cho hợp lý tránh để tình trạng các cơ sở chế biến thực phẩm thu mua thịt lợn nhập khẩu từ Nga với giá rẻ sau đó chế biến thành các món ăn khác như: giò, chả, thịt gác bếp… và vẫn bán với giá đắt đỏ. Như vậy thì mục đích nhập khẩu thịt lợn để bình ổn thịt trường và để người dân có thêm lựa chọn khi đi chợ đã bị biến tướng nhằm trục lợi.