Thành phố HCM: Gặp gỡ 8X đạt Danh hiệu “Thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi”

“Vạn thọ – hai từ đơn giản nhưng thật sâu sắc, mang ý nghĩa cầu chúc sự trường tồn, bất diệt đến với mọi người, mọi nhà. Mang dáng vẻ mộc mạc, đơn sơ nhưng sắc hoa luôn vàng tươi, có hương thơm rất đặc trưng không lẫn vào đâu được. Chính đặc điểm này, nên mỗi dịp tết đến xuân về, dù có trăm hoa khoe sắc thì Vạn thọ vẫn là loại hoa tôi ưu tiên trồng hàng đầu để phục vụ Tết Nguyên đán đáp ứng nhu cầu người dân và góp thêm thu nhập kha khá cho gia đình”.

Đó là lời chia sẻ chân tình của anh Văn Phước Thiện Nhân (sinh năm 1983), xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh – người có thâm niên hơn 10 năm trồng hoa vạn Thọ vào mỗi dịp Tết.

Anh Nhân chia sẻ: “Ngoài việc yêu thích màu sắc, hương thơm và ý nghĩa của Vạn Thọ, tôi lựa chọn trồng loài hoa này vì vốn đầu tư ít, chăm sóc dễ, nhưng lợi nhuận mang lại khá cao”.

Được biết, mỗi vụ Tết, anh Nhân thường trồng hơn 10.000 cây. Dịp Tết 2019 vừa rồi anh trồng 15.000 cây, với giá bán tại luống 7.000 đồng/cây, 15.000 đồng/chậu/01 cây và 45.000 đồng/chậu/03 cây, sau khi trừ chi phí sản xuất (hạt giống, phân, thuốc BVTV, xơ dừa, công chăm sóc,…), anh còn lãi được hơn 80 triệu đồng.

Theo kinh nghiệm của anh Nhân, kỹ thuật trồng hoa Vạn Thọ không phức tạp nhưng đòi hỏi người trồng phải chịu khó, thường xuyên chăm sóc theo dõi để cây cao, lớn, khỏe thì bông mới nở to, đều, đẹp mắt. Ước tính thời gian gieo hạt xuống giống đến lúc trưởng thành của Vạn Thọ khoảng 65 – 70 ngày. Loại hoa này không cần bón phân thường xuyên như hoa cúc, thời gian trồng 5 ngày đầu tưới phân lần một, tiếp đến 7 ngày sau tưới lần hai và 10 ngày sau tỉa cành.

Ngoài ra, với kinh nghiệm của mình, anh giải thích để nâng cao chất lượng hoa, giảm hao hụt, người trồng nên gieo ươm cây con bằng khay và nên bón thêm phân vi lượng (nếu trồng chậu) để cây phát triển tốt hơn và có thể giúp cây thích nghi với điều kiện khí hậu diễn biến thất thường của thời tiết. Anh còn cho biết thêm, ngoài trồng bán dịp Tết, Vạn Thọ còn được trồng để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong các ngày Rằm, 30 (âm lịch) mỗi tháng. Để có bông nở đúng vào những dịp đó, anh tính toán thời gian gieo hạt chính xác nên luôn có hàng bán. Tuy vừa bán bông trong đợt Tết Kỷ Hợi 2019 vừa qua nhưng hiện nhà anh vẫn còn bông để chuẩn bị bán phục vụ nhu cầu trong Rằm tháng Giêng.

Mô hình trồng hoa vạn thọ cho thu nhập ổn định của anh Nhân

Ngoài việc trồng hoa Vạn Thọ, anh Nhân còn là một trong những nông dân trẻ sản xuất giỏi ở địa phương đã được Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen với “Danh hiệu Thanh niên Nông thôn làm kinh tế giỏi” trong 03 năm liền (2016, 2017, 2018). Cụ thể, ngoài việc trồng hoa Tết, anh còn sử dụng 7.000 m2 đất của gia đình để trồng rau ăn lá (3.000 m2 mùng tơi và 4.000 m2 cải), hàng ngày anh cung cấp cho thương lái và các chợ hơn 150 kg rau cải và  mùng tơi. Anh cho biết, từ công việc này mỗi tháng gia đình anh có thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng, đủ để chi phí cho gia đình và con cái ăn học.

Sự siêng năng, cần mẫn cùng sự năng động, mạnh mẽ của sức trẻ đã giúp anh Văn Phước Thiện Nhân – một thanh niên nông thôn trên đất Bình Chánh – nơi có truyền thống trồng hoa nền và sản xuất nông nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh –  có thể lưu giữ được nghề trồng hoa Vạn Thọ trong giai đoạn nông nghiệp đô thị của Thành phố hiện nay. Thành công của anh đóng góp thêm nhiều hoạt động cho ngành nông nghiệp địa phương cũng như thành phố phát triển bền vững trong thời kỳ mới.