Thắng lớn nhờ tích cực đổi mới

Khó khăn trong xuất khẩu đã tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp thủy sản quay trở lại thị trường nội địa. Dù ngay trên “sân nhà”, được đánh giá là mảnh đất màu mỡ, thế nhưng không dễ để doanh nghiệp tung sản phẩm ra bán.

Hụt hẫng trong xuất khẩu

Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (Công ty Miền Nam) ở TP Cần Thơ chuyên nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra sang nhiều nước châu Mỹ, Âu, Á. Giám đốc Trần Văn Quang thẳng thắn: “Trước nay cá tra sang EU đã không phải chịu thuế, bây giờ có EVFTA thì cũng vẫn như thế. Nhưng do dịch COVID-19 nên giá bán sang EU đang quá bèo mà chưa có hy vọng tăng”.

Giám đốc Quang phân tích nguyên nhân “giá bèo” chủ yếu do nhiều doanh nghiệp nước ta quá khó khăn, bán chịu lỗ để có tiền quay vòng, duy trì hoạt động. Bởi bán được hàng mới được tiếp tục vay vốn của ngân hàng, hy vọng vượt qua dịch COVID-19 kinh tế thế giới phục hồi thì chế biến cá tra cũng sẽ phát triển, còn nếu dừng lại là đóng cửa nhà máy, dễ bị phá sản ngay.

“Giá quá bèo hiện đã tuột xuống mức chỉ bằng khoảng một nửa lúc được giá. Chẳng hạn một container lúc được giá là 1 tỷ đồng, nay chỉ còn 500 triệu đồng”, ông Quang cho biết thêm.

Đổi kênh tiêu thụ

Theo các doanh nhân, thời gian qua, cá tra xuất khẩu vào hệ thống siêu thị ở Mỹ, Canada, Australia đã tăng trưởng tốt. Trước đây, hệ thống siêu thị của các doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh số, còn lại là bán lẻ, đưa vào nhà hàng… Xảy ra dịch COVID-19, hàng đưa vào siêu thị tăng gấp khoảng 4 lần đã bù đắp được sự giảm sút lớn ở các kênh tiêu thụ khác, giúp một số doanh nghiệp chẳng những duy trì mà còn mở rộng sản xuất. Một doanh nghiệp ở Cần Thơ đang có nhu cầu tuyển 1.000 công nhân.

Tuy nhiên, để đưa hàng vào hệ thống siêu thị các nước phát triển, doanh nghiệp đã phải nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm nhiều năm qua. Một doanh nhân kể, chẳng hạn sản phẩm cá tra phải hút chân không và được nhân viên kỹ thuật của siêu thị trực tiếp kiểm tra, giám sát. “Từng lô hàng được trực tiếp giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng cao cấp”, vị doanh nhân nói. Qua nhiều năm đã tin tưởng nhau nhưng quy trình kiểm tra, giám sát vẫn không thay đổi. Khi dịch bệnh bùng phát, để bảo vệ công nhân không bị nhiễm bệnh, nhân viên kỹ thuật của siêu thị hạn chế vào nhà máy, trực tiếp ở các dây chuyền sản xuất mà chỉ kiểm tra, giám sát khâu cuối.

Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu cá tra sang 140 thị trường   Ảnh: Lê Hoàng VũẢnh minh họa

Ở khu vực ĐBSCL, trước đây, đưa thủy sản vào hệ thống siêu thị các nước phát triển như Mỹ, Canada, Australia… chủ yếu chỉ có hai doanh nghiệp, một ở Đồng Tháp và một ở Cần Thơ. Thời gian gần đây, chế biến sản phẩm có giá trị cao để tham gia chuỗi cung ứng cho hệ thống siêu thị các nước phát triển đã có thêm nhiều doanh nghiệp. Trong đó, mặc dù thị trường EU còn khá dè dặt nhưng đang được đẩy mạnh, kỳ vọng biến cơ hội EVFTA sớm thành hiện thực.

Hoàn chỉnh chuỗi sản xuất

Mới đây, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã đến làm việc với tỉnh An Giang để bàn giải pháp kết nối sản xuất – tiêu thụ sản phẩm cá tra ra thị trường miền Bắc, xuất khẩu sang thị trường Nga. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để sản xuất cá tra tốt, trước nhất cần thực hiện các khâu như: di truyền giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi phải áp dụng công nghệ cao, liên kết bao tiêu và thị trường xuất khẩu. An Giang là tỉnh đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu con cá tra đang đem lại kết quả tốt, Bộ quyết tâm hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho chuỗi cá tra 3 cấp.

Thời gian qua, các doanh nghiệp đã khắc phục những bất cập trước đây để tăng cường kết nối quảng bá, chế biến sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Để ngành cá tra phát triển bền vững cần phải xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cá tra tập trung, xây dựng thành một chuỗi sản xuất từ con giống đến xuất khẩu; trong đó chú trọng thị trường châu Âu, Nga và cả tiêu thụ nội địa.