Tập trung phòng, trừ dịch bệnh vụ đông xuân

Vụ xuân 2020, toàn TP Hà Nội gieo cấy 112.000 ha cây trồng; trong đó, có 90.000 ha lúa và 22.000 ha hoa màu. Khung thời vụ gieo cấy tập trung vào sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đây là giai đoạn không thuận lợi về nguồn nước do lượng mưa thiếu hụt so với mọi năm.

Tập trung phòng, trừ dịch bệnh vụ đông xuân

Nông dân xã Ðắk D’rô, huyện Krông Nô (Ðắk Nông) ra đồng chăm sóc lúa. Ảnh: VĂN TÂM

Ðể chủ động ứng phó những bất lợi do thời tiết gây ra, ngành nông nghiệp TP Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát kế hoạch sản xuất trên cơ sở bố trí diện tích và cơ cấu, thời vụ gieo trồng phù hợp với năng lực nguồn nước. Ðối với những diện tích có khả năng không đủ nước để gieo cấy lúa thì kiên quyết chuyển đổi sang cây trồng khác.

* Tại Quảng Bình, vụ đông xuân 2019 – 2020, huyện Lệ Thủy gieo trồng khoảng 10.200 ha lúa, hơn 1.000 ha rau màu. Hiện người dân đã kết thúc trồng khoai lang, sắn, ngô và một số loại rau. Riêng cây lúa dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 1. Ðể chủ động phòng, trừ các loại sâu bệnh gây hại cho lúa và rau màu, ngành nông nghiệp huyện Lệ Thủy khuyến cáo người dân cần thường xuyên thăm đồng ruộng, kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại và triển khai các biện pháp phòng, trừ phù hợp.

* Ðài Khí tượng – Thủy văn tỉnh Quảng Trị nhận định, với thực trạng nguồn nước hiện tại và khả năng sẽ thiếu hụt lượng mưa của các tháng đầu năm, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu hụt nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trong năm nay của tỉnh rất lớn, nhất là cuối vụ đông xuân 2019 – 2020 và vụ hè thu 2020. Các vùng cuối nguồn nước, vùng khó tưới thuộc các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Cam Lộ sẽ có nguy cơ thiếu nước. Người dân cần chủ động tích nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

* Chi Cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Ðắk Nông cho biết, vụ đông xuân năm 2019 – 2020, toàn tỉnh sản xuất khoảng 9.908 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa 4.498 ha; ngô 2.705 ha; khoai lang 1.249 ha; còn lại là đậu các loại và rau. Dự báo trong thời gian tới, khi cây lúa phát triển các loại sâu bệnh hại sẽ gia tăng mật độ, tỷ lệ gây hại trên đồng ruộng tăng cao. Ðể chủ động bảo vệ lúa đông xuân và các loại rau màu, người dân cần thường xuyên thăm đồng ruộng. Khi xảy ra dịch, bệnh cần tuân thủ các biện pháp kỹ thuật, nhất là nguyên tắc “bốn đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp).

* Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cho biết, tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã xuống giống khoảng 52.146 ha lúa vụ đông xuân 2019 -2020 (đạt hơn 93% so với kế hoạch). Tuy nhiên, hiện có khoảng 62 ha diện tích lúa nhiễm rầy nâu, 1.188 ha nhiễm bệnh đạo ôn, 500 ha nhiễm sâu cuốn lá… Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, trừ.

* Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hưng Yên cho biết, cây có múi của địa phương này đang bị bệnh vàng lá – thối rễ phát sinh gây hại. Ruồi vàng tiếp tục gây hại rải rác đối với các loại cây ăn quả như ổi, cam, bưởi, táo… ở thời kỳ quả chín. Bệnh héo cây tiếp tục xuất hiện ở một số vườn chuối tiêu hồng. Ðối với cây vụ đông, bệnh mốc sương, bệnh héo xanh gây hại cục bộ trên giống khoai tây Hà Lan. Sâu xanh tiếp tục xuất hiện và gây hại gia tăng; bọ nhảy gây hại cục bộ những ruộng chuyên trồng cải, su hào. Dự báo thời gian tới, những đối tượng này phát sinh gây hại gia tăng trong điều kiện thời tiết thuận lợi.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 409.000 con lợn và trong tháng 12 âm lịch sẽ có khoảng 60.000 con lợn xuất chuồng. Nếu chỉ cung ứng trên địa bàn tỉnh thì số lợn này cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 325 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Hiện chỉ còn 42 xã tại 16 huyện còn dịch chưa qua 30 ngày. Ðã có năm địa phương hết dịch, gồm các huyện Quỳ Châu, Con Cuông, Nam Ðàn, Tương Dương và thị xã Thái Hòa.

* Ngày 5-1, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tổng kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh là hơn 71,8 tỷ đồng. Cụ thể, hỗ trợ hơn 56,2 tỷ đồng cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy và kinh phí phòng, chống dịch hơn 15,6 tỷ đồng. Dịch đang có chiều hướng giảm mạnh. Toàn tỉnh có 83 xã, phường, thị trấn thuộc tám huyện, thành phố, gồm: Sơn Tây, Minh Long, Trà Bồng, Ba Tơ, Ðức Phổ, Nghĩa Hành, Mộ Ðức và TP Quảng Ngãi qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh.