Tăng hiệu quả kinh tế với mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn

Những năm qua, việc áp dụng mô hình tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước không còn xa lạ đối với nông dân Đồng Tháp. Mô hình này giúp nông dân và doanh nghiệp (DN) tỉnh nhà gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong sản xuất.

Mô hình tưới tiết kiệm nước được nông dân tỉnh nhà áp dụng

Theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ cho huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình xây dựng nhà màng và hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước cho các vùng dự án rau màu an toàn, với diện tích trên 60ha.

Đối với ngành hàng hoa kiểng, tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước cho làng hoa kiểng TP.Sa Đéc, với diện tích 110ha. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ cho các huyện: Cao Lãnh, Lai Vung, Châu Thành xây dựng nhà màng và hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước trong vùng cây ăn trái với diện tích 165ha. Đặc biệt, đối với cây lúa, tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước cho cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười với diện tích 170ha.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, mô hình áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất cây trồng khoảng 25%; giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc là 30%; tăng tính cạnh tranh của sản phẩm thông qua tăng mức độ tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm (20%).

Đối với hiệu quả sử dụng tài nguyên (đất, nước), lượng nước tiết kiệm so với tưới truyền thống khoảng 45%; tăng giá trị sản xuất nông nghiệp; tăng mức độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và giảm tỷ lệ đất hoang hóa. Từ đó, mô hình giúp người dân, DN tăng thu nhập khoảng 20% so với diện tích canh tác không áp dụng mô hình. Đặc biệt, mô hình tưới tiết kiệm nước còn giúp cây trồng ứng phó tốt trong những hoàn cảnh thời tiết bất lợi như hạn hán, biến đổi khí hậu.

Mặc dù mang lại nhiều kết quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp nhưng việc triển khai và nhân rộng mô hình này còn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, hiện diện tích canh tác tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng trên cạn của người dân đa số nhỏ lẻ, manh mún; đầu ra sản phẩm hàng hóa không ổn định, chậm thu hồi vốn. Việc đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, người dân sản xuất chưa đủ vốn đầu tư, chỉ cải tiến hệ thống tưới theo khả năng tài chính. Nguồn điện cung cấp cho motor hệ thống tưới phun tương đối lớn, trong khi mạng lưới điện thắp sáng hộ gia đình quá tải không thực hiện được.

Trước những hiệu quả tích cực từ mô hình tưới tiên tiến và tưới tiết kiệm nước mang lại cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân, DN áp dụng mạnh mô hình này. Khác với phương pháp tưới truyền thống, phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước sẽ duy trì đều đặn một độ ẩm cần thiết cho cây sinh trưởng và phát triển. Đặc biệt là giảm được công lao động, bảo vệ phù sa đất, tiết kiệm nguồn nước, chủ động được nước tưới trong mùa khô hạn như hiện nay.