Tăng cường các biện pháp phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng

Sáng 7-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai các biện pháp về việc tăng cường phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng vụ đông xuân 2020 các tỉnh phía bắc. Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.

Tăng cường các biện pháp phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng

Từ nay đến giữa tháng 5, các trà lúa chính sẽ bước vào giai đoạn trỗ bông, phơi màu, đây là giai đoạn mẫn cảm của cây lúa với sinh vật gây hại.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, tại các tỉnh, thành phố phía bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) có trên 1,1 triệu ha lúa Đông Xuân, trong đó vùng Bắc Trung Bộ có khoảng 351 nghìn ha, vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc có khoảng 755 nghìn ha. Từ đầu vụ đông xuân đến nay, các tỉnh/thành phố đã chủ động công tác chăm sóc, dự tính, dự báo và tổ chức tốt công tác phòng trừ sinh vật gây hại trên lúa và cây trồng chính. Do đó, đến nay các trà lúa đều đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Dự báo, từ nay đến giữa tháng 5, các trà lúa chính sẽ bước vào giai đoạn trỗ bông, phơi màu. Đây là giai đoạn mẫn cảm của cây lúa với sinh vật gây hại như đạo ôn, cuốn lá nhỏ, rầy, nhất là trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho sinh vật gây hại.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo: Hiện nay, rét Nàng Bân rất điển hình, thời tiết diễn biến âm u, độ ẩm cao, mưa phùn kéo dài, có nguy cơ tạo điều kiện rất thuận lợi cho các loại sâu hại bùng phát trên lúa đông xuân tại các tỉnh phía bắc, nhất là bệnh đạo ôn.

Hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai các biện pháp về việc tăng cường phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng vụ đông xuân 2020 các tỉnh phía bắc.

Đặc biệt, lúa đông xuân hiện đang trong giai đoạn làm đòng đến trỗ bông. Nhất là vùng Bắc Trung Bộ lúa có khả năng trỗ bông tập trung trong tháng 4-2020, đúng giai đoạn có thể xảy ra rét muộn, thời tiết không nắng, âm u, độ ẩm cao, nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông… Bên cạnh bệnh đạo ôn, khi lúa trỗ, vẫn có nguy cơ cao đối với bệnh bạc lá.

“Sản lượng lúa của vụ đông xuân chiến trên 60% sản lượng lúa của cả năm, bởi vậy các địa phương cần đặc biệt lưu ý đến cây trồng trong vụ này vì đây là giai đoạn rất nhạy cảm và có tính quyết định đến thắng lợi của vụ đông xuân”, Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhấn mạnh.

Để chủ động phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng chính, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ Thừa Thiên Huế trở ra và các cơ quan chủ động chỉ đạo thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 2380/CT-BNN-BVTV ngày 3-4-2020 về việc tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại lúa đông xuân ở các tỉnh phía bắc.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh các tỉnh, thành phố phía bắc và các cơ quan liên quan cần tập trung theo dõi các loại sinh vật gây hại chủ yếu trên các cây trồng khác (như sâu keo mùa thu hại ngô, bệnh khảm lá sắn, châu chấu tre lưng vàng, châu chấu sa mạc…), xử lý ngay khi mới xuất hiện, không để phát triển thành dịch.