Sinh ra từ làng, làm giàu ở phố

Tình trạng các khu công nghiệp mọc lên làm thu hẹp đất sản xuất từ năm 2013 là nguyên nhân đưa chàng trai trẻ 30 tuổi, Nguyễn Văn Đức từ làng nuôi cá nước ngọt nổi tiếng Dương Quan (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đến với vùng đất ngập nước phường Trưng Vương (TP Uông Bí) lập nghiệp và trở thành quê hương thứ 2 của anh.

Nguyễn Văn Đức bên cơ ngơi ao đầm nuôi cá rộng hơn 15ha.

Nguyễn Văn Đức bên ao đầm nuôi cá rộng hơn 15ha.

Từ hành trang có nghề nuôi cá nước ngọt trong tay, đặc biệt là nghề nuôi cá trắm đen, anh Nguyễn Văn Đức nhận định vùng đất ngập nước ven sông ở phường Trưng Vương có lợi thế về diện tích mặt nước, môi trường nuôi, đặc thù nước lợ lại được lưu thông hàng ngày…, rất thuận lợi để cá trắm đen phát triển. Cá trắm đen được nuôi ở đây không chỉ lớn nhanh mà chất lượng thịt cá thơm ngon nổi trội so với cá được nuôi ở các vùng lân cận khác.

Tự tin với những kỹ năng nghề nuôi cá truyền thống của mình, Nguyễn Văn Đức sớm nhận thầu lại diện tích ao đầm tại phường Trưng Vương để đầu tư hạ tầng nuôi cá trắm đen quy mô công nghiệp. Năm 2014, với quy mô ban đầu 3ha nuôi cá trắm đen, đến nay, cơ ngơi Nguyễn Văn Đức có được là 15ha, sản lượng thu hoạch mỗi lứa cá lên đến 100-200 tấn cá, doanh thu đạt 15-20 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 20-30% doanh thu.

Mỗi vụ thu họach, Nguyễn Văn Đức thu cả trăm tấn cá.

Mỗi vụ thu họach, Nguyễn Văn Đức thu cả trăm tấn cá.

Theo anh Nguyễn Văn Đức, trắm đen là loại cá dễ nuôi, lớn nhanh, sức đề kháng tốt, tỷ lệ sống đạt cao đến 90-95%, tuy nhiên cái khó là thời gian sinh trưởng dài, từ 12-18 tháng/lứa, kéo theo đó là suất đầu tư về giống, thức ăn, ngày công chăm sóc cao. Chính bởi vậy, người nuôi cá trắm đen cần phải trường vốn, hạn chế vốn vay sinh lãi, bên cạnh đó đầu ra cho sản phẩm phải rộng mở, tránh tình trạng bị ế ẩm khu thu hoạch tập trung.

Từ các mối hàng được duy trì thời còn ở làng nghề nuôi cá nước ngọt Dương Quan, Nguyễn Văn Đức nhận được sự hỗ trợ trả chậm của các cơ sở cung ứng giống, thức ăn; đồng thời có kết nối với các cơ sở bao tiêu sản phẩm. Hiện gần như 100% sản lượng cá trắm đen thành phẩm của Nguyễn Văn Đức đều xuất cho các đại lý thu mua của tỉnh Hà Nam, dùng để làm nguyên liệu kho cá, trong đó có làng nghề kho cá Vũ Đại nổi tiếng (thuộc làng Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).

Do có chất lượng tốt, sản phẩm cá trắm đen của Nguyễn Văn Đức được xuất bán cho các lò kho cá Vũ Đại (Hà Nam) nổi tiếng.

Do có chất lượng tốt, sản phẩm cá trắm đen của Nguyễn Văn Đức được xuất bán cho các lò kho cá Vũ Đại (Hà Nam) nổi tiếng.

Đáng nói từ sự thành công của Nguyễn Văn Đức, hiện nay, nhiều hộ dân tại các phường Trưng Vương, Yên Thanh, Phương Nam của TP Uông Bí, người dân xã Sông Khoai của TX Quảng Yên cũng phát triển mô hình nuôi cá trắm đen. Theo anh Nguyễn Văn Đức sự phát triển này nếu đi vào nề nếp, chuyên nghiệp, có liên kết thì sẽ là tiền đề để nâng tầm nghề nuôi cá trắm đen tại Quảng Ninh, biến nơi đây trở thành địa chỉ cung ứng cá thành phẩm ra thị trường lớn. Bên cạnh đó khi nhiều hộ dân cùng lựa chọn mô hình nuôi cá trắm đen sẽ dễ dàng sản xuất tập trung, đáp ứng đủ điều kiện để tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ưu đãi như hỗ trợ về vốn vay, lãi suất vốn vay sản xuất… mà Quảng Ninh đang triển khai.