Sản xuất đường Organic – bắt nhịp xu hướng sống sạch

Sản phẩm đạt chuẩn Organic phải tuân thủ đủ tiêu chí “3 không” là: không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học và không biến đổi gen

Những năm gần đây, khái niệm “Thực phẩm Organic” không còn xa lạ tại các nước phát triển. Bắt nhịp xu hướng sống xanh nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư trong lĩnh vực này.

Organic – “dấu chỉ” của thực phẩm “3 không”

Đường là một loại gia vị phổ biến. Hiện trên thị trường có khá nhiều loại sản phẩm đường sạch được sản xuất đảm bảo các chỉ số về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng các loại đường này vẫn có nguồn gốc làm từ cây mía được canh tác theo phương thức truyền thống nhằm giữ giá thành ở mức vừa phải, phù hợp với đại đa số người tiêu dùng. Hiện nay, người tiêu dùng gặp ít nhiều khó khăn trong việc lựa chọn và phân biệt giữa đường sạch và đường Organic. Thực tế cho thấy, để có sản phẩm đúng chất lượng Organic đòi hỏi nhiều quy trình khắt khe từ khâu trồng trọt đến khâu sản xuất.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản phẩm đạt chuẩn Organic phải tuân thủ đủ tiêu chí “3 không”, đó là: không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học và không biến đổi gen.

Sản xuất đường Organic - bắt nhịp xu hướng sống sạch - Ảnh 1.

Để nhận biết sản phẩm có phải là hữu cơ hay không, người tiêu dùng cần xem các thông tin được in trên bao bì. Hiện nay có 3 mức độ công bố một sản phẩm Organic: Thứ nhất “100% Organic” – nghĩa là thực phẩm hoàn toàn đạt chuẩn Organic hoặc được làm từ các nguyên liệu Organic; Thứ hai “Organic” – nghĩa là thực phẩm có trên 95% nguyên liệu là Organic; Thứ ba “Made with Organic Ingredients” (hoặc “Made with x% Organic Ingredients, với x nằm trong khoảng 70 – 95%) – nghĩa là sản phẩm có ít nhất 70% thành phần nguyên liệu là Organic. Trường hợp có dưới 70% thành phần là Organic thì không được công bố “Organic” trên mặt trước của nhãn, mà chỉ được ghi “Organic” trên danh mục thành phần nguyên liệu tại mặt sau.

Sản xuất đường Organic không dễ

Đường Organic được sản xuất theo quy trình thuận tự nhiên, không sử dụng bất cứ hóa chất nào từ khâu chuẩn bị đất trồng, giống mía, kỹ thuật canh tác, phương pháp bón phân, phòng trừ cỏ dại – sâu bệnh, tưới tiêu, khâu thu hoạch, đến khâu sản xuất đều được thực hiện trong điều kiện đảm bảo và cách ly.

Cụ thể, đất trồng không sử dụng các loại thuốc hóa học trong vòng 3 năm trở lên, có ranh giới, khoảng cách xác định và vùng đệm (hàng rào, hàng cây xanh…) để làm bờ chắn ngăn chặn sự phát tán của các chất độc hại ở các vùng lân cận vào ruộng mía. Giống mía Organic phải không mang mầm bệnh, không lẫn lộn các giống mía khác và đặc biệt không bị biến đổi gen. Về công tác chăm sóc, tuyệt đối không được sử dụng các loại phân hóa học mà thay vào đó là bã bùn, phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh…

Để sản xuất được đường Organic với quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế thì chi phí và nhân công thực hiện là không nhỏ. Song, với mong muốn thúc đẩy nền nông nghiệp hữu cơ, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường, nhiều công ty đã nỗ lực từ việc đầu tư vùng nguyên liệu cho đến hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất thành công sản phẩm đường Organic.

Sản xuất đường Organic - bắt nhịp xu hướng sống sạch - Ảnh 2.