Để tạo bước chuyển biến trong sản xuất chè theo hướng phát triển bền vững trong chuỗi giá trị từ sản xuất – thu mua – chế biến – tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè trên thị trường, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang thực hiện Dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” giai đoạn 2017 – 2019 tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn với quy mô 30 ha/49 hộ tham gia (thực hiện liên tục trong 3 năm).
Các hộ thực hiện Dự án được hỗ trợ 50% phân bón, thuốc BVTV; các hộ có trách nhiệm đối ứng lại phân bón, thuốc BVTV theo yêu cầu của Dự án.
Sau 3 năm thực hiện, người dân tham gia dự án tuân thủ quy trình kỹ thuật của dự án, như: bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, đảm bảo thời gian cách ly, ghi chép nhật ký đầy đủ…; ứng dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chè; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục đã được đăng ký sử dụng trên cây chè; ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học và theo nguyên tắc 4 đúng, từ đó giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong năm trên vườn chè. Theo thống kê, số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong năm là 6 lần, giảm một nửa so với sản xuất thông thường. Giữa các lô chè có hàng rào bảo vệ hoặc băng chè cách ly rộng 8m để tránh nhiễm thuốc bảo thực vật ở các diện tích liền kề không nằm trong dự án. Các hộ tham gia dự án không sử dụng thuốc trừ cỏ trong quá trình chăm sóc chè.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân cách sử dụng phân bón cho chè hiệu quả
Chị Đào Thị Thương ở thôn Quyết Thắng cho biết, khi áp dụng mô hình này, chè được chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật nên sản lượng tăng, ít sâu bệnh, hạn chế tối đa việc phun thuốc bảo vệ thực vật nên giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Gia đình chị hiện có 6.000 m2 đất trồng chè, tham gia mô hình liên kết sản xuất mới năng suất chè của gia đình tăng từ 10,62 tấn ban đầu lên hơn 12 tấn.
Cùng với sự hỗ trợ từ phía Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm, dự án đã xây dựng mô hình liên kết mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Dự án đã thành lập được 3 nhóm sản xuất chè an toàn, các nhóm xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Trong đó, đội trưởng là người do công ty cử, chịu trách nhiệm điều hành chung kiêm giao nhận sản phẩm; đội phó và ban đại diện do nhóm bầu ra. Đội phó chịu trách nhiệm giám sát sâu bệnh, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho chè, cấp phát vật tư và ghi chép sản lượng. Ban đại diện sẽ thay mặt các hộ trồng chè đứng ra ký kết hợp đồng mua bán với Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm và chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm chè búp tươi của đội mình trước Công ty. Mỗi đội có các tổ dịch vụ: Tổ bảo vệ thực vật chuyên thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật khi có chỉ định của đội trưởng và cán bộ kỹ thuật của công ty; Tổ đốn và thu hái chè; Tổ bón phân. Nhờ thế, 100% sản lượng chè búp tươi của các hộ dân tham gia dự án đều đạt tiêu chuẩn chất lượng Rainforest Alliance của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm. Ban đại diện ký hợp đồng bán chè búp tươi ổn định trong 3 năm qua là 5.000-5.500 đồng/kg (tùy theo phẩm cấp chè).
Dự án đã tổ chức 9 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho 390 người đại diện cho các hộ trồng chè trong và ngoài dự án. Qua các lớp tập huấn, nhiều gia đình đã tập trung đầu tư chăm sóc và kỹ thuật thu hái, bảo quản chè búp tươi của gia đình.
Ông Tạ Minh Hồng, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên cho biết: Năm 2018 sau khi tham gia lớp tập huấn “Kỹ thuật trồng, chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP”, ông thấy rất bổ ích. Ông đã vận động gia đình mình chuyển toàn bộ diện tích chè của gia đình (hơn 7.000m2) sang làm chè VietGAP. Hiện nay, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Yên đang tích cực hỗ trợ gia đình ông hoàn thiện các thủ tục cấp chứng nhận chè VietGAP.
Theo ông Bùi Đức Hiệp, cán bộ phòng Nông nghiệp Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm: Sau 3 năm thực hiện Dự án, do được cung cấp đầy đủ dưỡng chất theo nhu cầu, cây chè phát triển tốt, chất lượng nguyên liệu chè búp tươi tăng rõ rệt, tình hình sâu bệnh hại được hạn chế nhiều so với các năm trước đó. Các hộ dân đã thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật của dự án cũng như của Công ty đề ra, việc quản lý và sử dụng thuốc BVTV chặt chẽ hơn, không còn xảy ra hiện tượng người dân sử dụng thuốc BVTV tùy tiện nữa. Chè đảm bảo an toàn thực phẩm theo cam kết của công ty với đối tác, chủ yếu theo tiêu chuẩn của EU, giảm 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm 25% chi phí thu hái chè. Mô hình liên kết mới xây dựng được tính cộng đồng, đoàn kết và tác phong công nghiệp cho người nông dân.
Việc triển khai dự án “Xây dựng mô hình Sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” giai đoạn 2017 – 2019 tại xã Mỹ Bằng phù hợp với nhu cầu của các hộ dân và Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm. Dự án đã tạo ra mối liên kết sản xuất chè an toàn và bền vững giữa Công ty với các hộ dân sản xuất chè trên địa bàn xã Mỹ Bằng. Bên cạnh đó, việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap đã góp phần thay đổi rõ rệt nhận thức của các hộ trồng chè xã Mỹ Bằng, mang lại những hiệu quả tích cực, sản lượng và chất lượng chè được nâng lên đáng kể. Từ đó nâng cao thu nhập của người dân góp phần quan trọng trong việc khẳng định vị thế, thương hiệu chè Tuyên Quang trên thị trường trong và ngoài nước.