Rau xanh “cháy hàng” cục bộ vì người dân đổ xô mua hàng tích trữ

Do lo sợ lây nhiễm dịch Corona, nhiều bà nội trợ đã chọn cách mua thực phẩm, rau củ quả tích trữ cả tuần để hạn chế việc đi chợ. Việc này khiến nhiều siêu thị rơi vào cảnh cháy hàng cục bộ.

 Nhiều kệ hàng rau củ tại siêu thị Tmart Dương Nội đã trống trơn dù đang giờ cao điểm mua hàng

Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Metro Hà Đông, BigC, Vinmart… không khí mua hàng của người dân khá tấp nập. Đặc biệt, tại các quầy bán thực phẩm, rau củ quả, lượng hàng không phong phú như thời điểm trước Tết Nguyên Đán. Nhiều loại rau củ tăng giá gấp đôi.

 Người dân đổ xô mua rau củ dự trữ

Ghi nhận tại siêu thị Tmart Dương Nội (Hà Đông) các mặt hàng rau xanh đang được bán với giá cao hơn trước Tết Nguyên Đán khoảng 20%. Cụ thể rau muống có giá 23.100 đồng/kg; mồng tơi 29.500 đồng/kg; bí xanh 22.200 đồng/kg; cà chua 24.200 đồng/kg; su su 12.700 đồng/kg; cải thảo 18.500 đồng/kg; riêng bắp cải giảm 24%, còn 9.500 đồng/kg… Tuy vào giờ cao điểm mua sắm, nhưng hầu hết các kệ hàng rau, củ của siêu thị này đã hết hàng.
Lý giải về việc nhiều gian hàng thực phẩm, rau củ quả hết hàng bất ngờ, đại diện siêu thị Tmart cho biết: Các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả vẫn được siêu thị cập nhật đều theo từng ngày. Tuy nhiên, mấy ngày qua nhu cầu mua hàng của người dân tăng đột biến để tích trữ thực phẩm giữa mùa dịch Corona, nên nhiều mặt hàng nhanh chóng hết chỉ sau một thời gian ngắn được bày lên kệ.
Tuy nhiên, siêu thị có nguồn hàng dự trữ, thay thế nhanh để tránh tối đa việc trống quầy kệ. Nếu có xảy ra hiện tượng trống quầy hàng, chỉ cục bộ tại một vài nơi và được khắc phục ngay sau đó. “Nguyên tắc của chúng tôi là chủ động nguồn hàng và điều tiết nguồn hàng phong phú nhất có thể, tránh tối đa bị động, hụt hàng” – vị này khẳng định.
Ông Trần Duy Đông, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định: Ngoại trừ các mặt hàng như khẩu trang, nước sát khuẩn đang thiếu do nhu cầu tăng đột biến trong một thời gian ngắn. Còn các hàng nông sản, cơ quan quản lý còn đang phải tìm cách để tăng tiêu thụ thêm ở thị trường trong nước và các thị trường xuất khẩu thay thế thị trường Trung Quốc, nên càng không có chuyện thiếu.

Trái ngược hoàn toàn với không khí mua hàng tấp nập trong các siêu thị, dù vào giờ tan tầm nhưng các chợ dân sinh vẫn vắng tanh khách mua hàng. Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Thanh – tiểu thương bán rau xanh tại chợ Hà Đông: Mấy ngày nay lượng khách đến mua hàng của chị đã giảm một nửa. Tuy nhiên, khách hàng thường mua với số lượng lớn về dự trữ, nên lượng hàng bán ra cơ bản vẫn ổn định. Về giá cả các loại rau củ có tăng hơn so với trước Tết khoảng 20%. Cụ thể, rau cần được bán với giá 12.000 đồng/mớ; rau muống 12.000 đồng/mớ; cải cúc 7.000 đồng/mớ; su hào 8.000 đồng/củ; súp lơ 20.000 đồng/cái; cải ngọt 30.000 đồng/kg; bắp cải 12.000 – 15.000 đồng/kg. Riêng các loại rau thơm, rau mùi, tỏi tây có giá 80.000 đồng/kg… tăng gấp đôi so với thời điểm trước Tết Nguyên Đán.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến giá rau xanh tăng cao, chị Thanh khẳng định: Hoàn toàn không có việc tiểu thương tự tăng giá trong dịch Corona. Giá rau tăng bởi nguồn cung rau xanh sau Tết giảm. Phần lớn diện tích rau đã được thu hoạch phục vụ thị trường Tết. Sau Tết, thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ thấp và có mưa đá, đã khiến một số diện tích rau ăn lá ở một số nơi hư hỏng. Nguồn cung giảm nên giá rau bị đẩy lên cao hơn so với trước Tết là hợp với quy luật của thị trường. Tuy nhiên, giá rau xanh sẽ sớm ổn định trở lại, bởi thời gian gối vụ các loại rau ăn lá rất ngắn.
Do đó, người tiêu dùng không nên mua hàng dự trữ gây thiếu hàng cục bộ, bởi nguồn hàng vẫn được cung cấp đều hàng ngày. Mặt khác, việc rau củ để lâu ngày sẽ không đảm bảo chất lượng.