Quảng Trị: Tăng cường công tác diệt chuột và ốc bươu vàng hại lúa Hè Thu

Vụ Hè Thu 2019, toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy 21.400 ha lúa. Hiện nay, cây lúa đang giai đoạn 3 lá – đẻ nhánh, sinh trưởng phát triển khá tốt. Tuy nhiên, thời gian qua chuột và ốc bươu vàng đã phát sinh gây hại nhiều nơi, ăn mầm lúa và lúa non.

Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 425 ha lúa bị chuột gây hại, trong đó hại nặng 62 ha và 242,5 ha lúa bị ốc bươu vàng gây hại, trong đó hại nặng 30 ha. Dự kiến trong thời gian tới, chuột và ốc bươu vàng sẽ tiếp tục gây hại trên cây lúa, đặc biệt có thể hại nặng một số vùng nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Theo sự khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, các địa phương và bà con nông dân cần thực hiện tốt một số biện pháp để diệt chuột và ốc bươu vàng, hạn chế thiệt hại gây ra trên ruộng lúa.

Đối với chuột, cần tiến hành diệt bằng mọi biện pháp như: Đào bắt, đặt bẫy, bả, thuốc diệt chuột, ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường, chỉ sử dụng các loại thuốc diệt chuột hóa học có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Nghiêm cấm tuyệt đối không được sử dụng biện pháp xung điện để diệt chuột.

Việc diệt chuột phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Phát động ra quân diệt chuột một cách đồng loạt, liên vùng, liên thôn, diệt chuột ngoài đồng, ven làng kết hợp với diệt chuột trong khu dân cư, trong các hộ gia đình. Tập trung diệt trừ vào thời điểm lúa làm đòng, ưu tiên biện pháp thủ công như đào bắt, đặt bẫy vì đây là thời kỳ chuột cái đẻ – nuôi con. Nếu thấy chuột vẫn gây hại thì tiếp tục tổ chức diệt chuột khi lúa trổ bông ngay tại vùng bị hại.

Đối với ốc bươu vàng, cần ưu tiên biện pháp thủ công như tiến hành bắt ốc và thu gom ổ trứng đem tiêu hủy, đây là biên pháp hiệu quả dễ thực hiện, ít ảnh hưởng đến môi trường. Có thể dùng dây lá khoai lang, cây sắn, đu đủ,… bó thành bó, thả xuống nước dọc theo bờ để dẫn dụ ốc đến rồi thu bắt. Cắm que, cọc làm giá để ốc leo lên đẻ trứng rồi thu trứng. Vét rãnh trên ruộng để khi tháo nước, rút nước trong ruộng, ốc tập trung ở rãnh để bắt hoặc phun thuốc. Thả vịt vào vào mương máng, lúa đã cứng cây để diệt trứng ốc và ốc non.

Sử dụng biện pháp hóa học ở những nơi mật độ ốc cao, ốc tuổi nhỏ, không thể bắt bằng tay. Có thể diệt trừ ốc bằng các loại thuốc phun có hoạt chất Niclosamide (Tungsai 700WWP; AnPuma 700Wp; Molluska 700WP…) hoặc thuốc rải dạng hạt có hoạt chất Metaldehyde (Map passion 10GR; Snail Killer 12RB; Honeycin 6GR, Tox Bait 120B…), liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.

Lưu ý: Ruộng phải có nước thì phun thuốc mới có hiệu quả cao. Nên phun thuốc lúc sáng sớm hoặc chiều tối khi ốc hoạt động mạnh nhất để tăng hiệu quả của thuốc. Thuốc diệt ốc bươu vàng độc với động vật thủy sinh nên cần thận trọng khi sử dụng gần khu vực nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra cần theo dõi các đối tượng sâu, bệnh hại khác để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.