Quảng Ngãi đưa hàng loạt nông sản miền núi vào siêu thị

Sau thành công đưa các nông sản đặc thù vào 18 siêu thị Big C, huyện miền núi Sơn Hà đang xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Ngày 6/12, lãnh đạo huyện Sơn Hà cho biết, UBND Quảng Ngãi đã đồng ý cho phép sử dụng tên huyện để xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Ớt Xiêm Sơn Hà”. Sở Khoa học Công nghệ được giao hướng dẫn thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Đây là bước ngoặt trong chiến lược quảng bá, tìm đầu ra cho nông sản đặc thù của địa phương gần một năm qua.

Cán bộ huyện Sơn Hà hướng dẫn người dân đóng gói ớt xiêm để đưa vào siêu thị. Ảnh: Lê Văn Công.

Cán bộ huyện Sơn Hà hướng dẫn người dân đóng gói ớt xiêm để đưa vào siêu thị. Ảnh:Thạch Th.

Là một trong sáu huyện miền núi của Quảng Ngãi, Sơn Hà có nhiều đặc sản như gà kiến, rau dớn, rau ngót rừng, dưa leo, ớt xiêm… Nhờ thổ nhưỡng riêng biệt, những nông sản này có hương thơm, vị ngon đặc trưng. Nhiều loại rau được người dân đi rừng hái bán trong ngày nên giữ được độ tươi sống, đặc biệt không có thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản.

Các nông sản này luôn đắt hàng, được người dân đồng bằng ưa chuộng, nhưng nhiều năm qua chỉ được bày bán bên bờ suối hay các sạp ven đường với giá rẻ. Đến đầu năm nay, những sản phẩm này bất ngờ xuất hiện trong một số siêu thị lớn ở miền Trung.

Gà kiến Sơn Hà bán trong một siêu thị thuộc hệ thống Big C. Ảnh: Kim Ny.

Gà kiến Sơn Hà bán trong một siêu thị thuộc hệ thống Big C. Ảnh: Kim Ny.

Ông Phùng Tô Long – Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, huyện có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước đã có nhiều chương trình đầu tư sản xuất. Nhưng đầu ra cho nông sản vẫn là bài toán nan giải. Do vậy, UBND huyện và Ban quản lý dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tập trung xây dựng thương hiệu, nhấn mạnh đến các đặc tính: chất lượng, tự nhiên, sạch, an toàn… để tìm kiếm đầu ra.

Cán bộ huyện và Ban quản lý đã trực tiếp lên mạng xã hội giới thiệu sản phẩm, tham gia các hội chợ; làm việc với đại học, viện nghiên cứu để đề nghị hợp tác về công nghệ; kết nối với các hệ thống phân phối. Trong khi đó, người dân được hướng dẫn lập Tổ hợp tác để ký hợp đồng sản xuất, cung ứng sản phẩm.

Đến nay, các đặc sản đã phủ sóng 18 siêu thị Big C ở miền Trung và miền Nam. Thay vì bán thô, các sản phẩm được đóng gói, dán nhãn mác, bán giá cao hơn so với trước đây. Ngoài dạng tươi sống, chuối rừng còn được bán ở dạng hột sấy khô, ớt xiêm được ngâm dấm trong hủ. Sau tám tháng, doanh số các sản phẩm đạt hơn 2 tỷ đồng.

Lãnh đạo huyện cho biết, việc đưa các sản phẩm vào siêu thị đã giúp nông dân tiếp cận thị trường, yên tâm sản xuất. Song huyện vẫn còn gặp khó khăn do đường vận chuyển xa, chi phí cao, thủ tục kiểm dịch, vận chuyển ra ngoài tỉnh còn rờm rà.

“Nhà nước cần hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, nghiên cứu thị trường, quảng bá sản phẩm; đồng thời đầu tư hạ tầng chế biến, bảo quản để kéo dài thời gian sử dụng, nhằm cân đối cung cầu trên thị trường”, ông Long nói.