Quảng Nam: Rủi ro nuôi cá mùa mưa lũ

Theo lịch mùa vụ nuôi trồng thủy sản được Sở NN&PTNT Quảng Nam ban hành, nông hộ nuôi cá trong lồng bè cần thu hoạch trước ngày 30.9 để tránh thiệt hại do lũ lụt. Tuy nhiên, nhiều khu vực nuôi cá trong lồng bè trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chưa thể thu hoạch

Theo quan sát của chúng tôi, tại sông Tam Kỳ đoạn qua xã Tam Phú, nhiều nông hộ đang tập trung nuôi cá trong lồng bè chủ yếu là cá chẽm và cá điêu hồng. Ông Trần Minh Hoàng ở thôn Tân Phú đang nuôi 4 lồng cá chẽm, cho biết cá đang được nuôi ở tháng thứ 8, có thể xuất bán trong vài ngày tới.

“Năm ngoái, lũ lụt dâng nhanh, nước chảy xiết, gia đình đã phải kéo các bè cá vào khu vực vũng sát bờ để tránh bị cuốn trôi. Tuy vậy, cá thất thoát ra ngoài cộng với số lượng cá chết không ít, thiệt hại lên đến 100 triệu đồng. Năm nay, rút kinh nghiệm, chúng tôi muốn bán cá sớm nhưng tư thương ép giá, đầu vụ 75 nghìn đồng/kg, nay chỉ còn 60 nghìn đồng/kg” – ông Hoàng cho biết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nước sông Tam Kỳ đoạn qua thôn Tân Phú rất bẩn trong những ngày qua. Ông Hoàng cho biết, mấy năm trước sông Tam Kỳ đoạn chảy qua địa bàn luôn sạch nhưng gần đây ô nhiễm do hứng nước xả thải chưa qua xử lý. Bởi vậy, cá chết liên tục từ đầu năm đến nay, có hộ thiệt hại hơn 500 triệu đồng khi cá chết đồng loạt ở 10 lồng bè. Nuôi cá trong lồng bè ngày càng khó khăn, chi phí lớn. Cá đến kỳ thu hoạch, mỗi ngày tốn đến vài triệu đồng tiền thức ăn.

Ông Trần Minh Hoàng cho cá chẽm ăn. Ảnh: V.NÔng Trần Minh Hoàng cho cá chẽm ăn – Ảnh: V.N

Ông Lê Văn Tại – cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Phú cho biết, hiện còn 60 lồng bè nuôi cá của các hộ dân trên địa bàn chưa thể thu hoạch. Mọi năm, cứ đến mùa lũ lụt là các hộ bị thiệt hại đến hàng tỷ đồng do cá thất thoát và chết. UBND xã đã thông báo đến các hộ nuôi cá là nên tuân thủ lịch mùa vụ nuôi trồng thủy sản của Sở NN&PTNT, thu hoạch trước ngày 30.9 để tránh tổn thất, thiệt hại nhưng nông hộ chưa thể thực hiện.

“Nhiều hộ nuôi cá trong lồng bè muốn bán cá vào thời điểm tết để thu lợi. Chứ bán đại trà thì cá thương phẩm luôn bị tư thương ép giá, không có lãi. Nuôi cá trái vụ vì thế mà được duy trì, có thể vì nông hộ chủ quan, có thể vì chạy theo lợi nhuận” – ông Tại nói.

Theo ông Tại, nông hộ chưa thể thu hoạch cá trong lồng bè còn vì nguyên nhân cá còi cọc. “Mọi năm, nuôi cá chẽm, cá điêu hồng cần 6 – 8 tháng là thu hoạch, bán thương phẩm. Không biết do chất lượng cá giống không đảm bảo, thức ăn kém chất lượng hay môi trường nước ô nhiễm khiến cho cá chậm lớn, có nhiều hộ nuôi cá với thời gian lên đến 12 – 14 tháng. Do đó phải sang năm mới có thể thu hoạch được” – ông Tại nói.

Tiềm ẩn nguy cơ

Chỉ riêng ở TP Tam Kỳ, vẫn còn hơn 200 lồng bè nuôi cá bố trí ở các sông Tam Kỳ, Bàn Thạch, Mỹ Cang vào thời điểm này. Trước những nguy cơ rủi ro về nuôi cá trong lồng bè mùa lũ, UBND TP Tam Kỳ và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam phối hợp làm việc với các địa phương, người dân trên địa bàn về xả nước hồ Phú Ninh trong mùa lũ lụt. Theo đó, khuyến cáo người dân nên thu hoạch cá trước ngày 30.9 hằng năm để tránh trôi theo dòng nước. Vậy nhưng, năm nào cũng vậy, thực trạng thu hoạch muộn lại tái diễn. Theo Phòng Kinh tế TP Tam Kỳ, hơn ai hết, người nuôi cá trong lồng bè biết những nguy cơ trong sản xuất vào mùa lũ lụt nhưng vẫn bất chấp như đang đánh bạc với trời.

“Nuôi cá trong lồng bè mùa lũ khiến nhiều nông hộ có nguy cơ thiệt hại nặng, từng có nông hộ mất trắng. Trong khi đó, lồng bè nuôi cá lại cản trở hành lang thoát lũ, khiến nước ngập sâu hơn ở nhiều địa điểm của TP Tam Kỳ. Nguy hại là vậy mà lồng bè nuôi cá trên sông vẫn tồn tại trong mùa mưa lũ là do người dân chỉ muốn làm theo ý mình” – ông Bùi Ngọc Huy, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Tam Kỳ cho biết.

Trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này, vẫn còn hàng nghìn lồng bè nuôi cá ở các lưu vực sông Thu Bồn, Trường Giang, Cổ Cò và các hồ thủy lợi, thủy điện. Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, qua lịch mùa vụ nuôi trồng thủy sản, đã tham mưu Sở NN&PTNT khuyến cáo nông hộ thu hoạch cá trong lồng bè trước ngày 30/9. Nông hộ nuôi cá dù không tuân thủ cũng không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế họ được.

“Các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền hữu hiệu, giúp nông hộ nhận thấy rõ những rủi ro, thiệt hại của nuôi cá mùa lũ mà thay đổi nhận thức, chuyển hướng sản xuất an toàn hơn. Các địa phương cũng quản lý chặt chẽ, vận động nông hộ nuôi cá trong lồng bè đúng với lịch mùa vụ ban hành” – bà Tâm nói.

Trong khi đó, nhiều địa phương có nghề nuôi cá trong lồng bè thì cho biết, sợ nhất là an toàn tính mạng của các chủ hộ nuôi cá trong lồng bè khi phải vật lộn với nước lũ, ứng cứu cá không bị trôi theo dòng nước. Nếu may mắn cá không bị trôi theo dòng nước lũ thì môi trường nước thay đổi đột ngột, bùn, rác ô nhiễm sẽ khiến cá có nguy cơ chết hàng loạt.