Phương pháp tái sinh đào sau tết

Nếu trồng lại cây đào sau chơi tết Nguyên đán: Với các cây một thân, một tán, cần cắt bỏ hết các cành trên cây, chỉ để lại phần gốc cành dài cách thân chính 5-7cm. Với các cây đào cổ thụ nhiều thân, nhiều tán, cũng cắt tỉa cho từng thân/tán theo cách làm nói trên…

Kỹ thuật trồng

Thời vụ trồng: Từ 5-20/1 (âm lịch). Mật độ trồng 100-160 cây/sào (360m2), tùy theo cây giống. Nếu trồng lại cây đào sau chơi tết Nguyên đán: Với các cây một thân, một tán, cần cắt bỏ hết các cành trên cây, chỉ để lại phần gốc cành dài cách thân chính 5-7cm. Với các cây đào cổ thụ nhiều thân, nhiều tán, cũng cắt tỉa cho từng thân/tán theo cách làm nói trên. Sau đó nhấc nhẹ bầu cây đặt trồng trên mặt luống, vun đất lấp kín bầu tới cổ gốc cây. Nếu trồng đào từ các cây giống ghép lần đầu (cây nhỏ), cần chọn cây có mầm dài 12-15cm, không sâu bệnh.

08-28-32_trong_li_do_tet_tu_cy_1_thn_1_tn
Trồng lại đào từ cây 1 thân 1 tán

Đất trồng: Chọn ruộng đất thịt trung bình hoặc thịt nặng, rãi nắng, thoát nước nhanh, cày phơi ải, lên luống rộng 1,5m, cao 40cm, rãnh luống rộng 30cm.

Bón phân (khi cây bén rễ hồi xanh): Bón gốc 200-300kg phân gia cầm mục + 30kg Lân supe hoặc 500kg phân hữu cơ vi sinh, sau lấp đất kín phân.

Bón sau trồng 4 tháng; 5 tháng và 6 tháng: Tổng lượng 120 – 150kg NPK 13-13-13+TE. Từ tháng 7 trở đi dừng bón các loại phân. Tưới nước khi vườn khô. Đảm bảo độ ẩm đất luôn ở mức 60- 65% sức giữ ẩm đồng ruộng (người đi trên luống không để lại dấu chân). Cần chăm bón cân đối (cây khỏe, xanh tốt thì bón ít, cây yếu, còi cọc thì bón nhiều). Không sử dụng đạm đơn (lóng cành sẽ vươn dài, lá mỏng, lách lá thưa, ít hoa). Cây đào khỏe là cây có bộ lá xanh dày, nhiều cành nhánh phân bố đều ra các hướng và không sâu bệnh.

Cắt tỉa tạo tán

Cắt tỉa tạo tán 3 lần chính (sau mỗi đợt bón thúc khoảng 7 ngày). Cắt bỏ triệt để các đầu cành sâu tới vị trí lách lá thứ 3 hoặc thứ 5 tính từ gốc cành, kết hợp với gò uốn chia các cành cho phân bố cố định đều ra xung quanh. Thường xuyên thăm vườn để tỉa bỏ sớm các cành khô, cành sâu bệnh, cành mọc ngoài ý muốn.

08-28-32_cy_do_cnh_truoc_tet
Cây đào cảnh trước tết

Thiến đào

Thiến đào (kích cho cây phân hóa mầm hoa) thường bắt đầu từ 15 tháng 8 (âm lịch). Cây khỏe thiến trước. Cây yếu thiến sau. Thiến đào vào buổi sáng. Không thiến đào khi thời tiết có mưa. Dùng cưa/dao chuyên dụng khoanh 1 vòng kín quanh thân chính của cây, cách gốc cành cuối cùng 3-5cm. Độ sâu vết khoanh vừa chạm tới tầng sinh gỗ. Sau dùng băng dính đen bao kín vết khoanh, tránh nấm bệnh xâm nhập gây hại.

Vặt lá

Vặt lá để thúc cho cây hình thành và phát triển các nụ hoa và ra lộc đúng tết. Thời điểm tiến hành vặt lá đào trong năm cần căn cứ vào diễn biến của thời tiết mùa đông cuối năm đó. Năm nào mùa đông rét nhiều, rét đậm, cần vặt lá đào sớm (cách tết 60 – 65 ngày). Năm nào mùa đông rét ít, thì vặt lá đào muộn (cách tết 45-55 ngày). Mỗi cây vặt lá 2 lần cách nhau 5-7 ngày, cành khỏe, mầm hoa nhỏ thì vặt lá trước, cành yếu, mầm hoa to, vặt lá sau. Để cây có thêm một ít quả, cần vặt lá sớm tại một số cành cộc đã có mầm hoa to ở trong tán. Sau tuốt lá dùng dây mềm gò buộc tán cây cho gọn.

Phòng trừ sâu bệnh hại chính

Bệnh chảy gôm (khó phòng trừ), hiện chưa có thuốc phun trừ đặc hiệu, cần chăm bón cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ, không để đất vườn quá ẩm…

Rệp: Phát sinh nhiều trên thân, cành đào từ sau vặt lá, có thể lau sạch bằng hỗn hợp nước sạch + xà phòng bột + lân supe + thuốc BVTV Phoxim 2%.

Các thuốc Cypetox 50EC trừ sâu đục thân, đục ngọn. Comite 73EC trừ nhện đỏ. Ridomil Godl 68WP trừ bệnh sương mai.

08-28-32_vuon_do_trong_tu_cy_co_thu_choi_su_tet
Vườn đào trồng từ cây cổ thụ chơi sau tết

Điều chỉnh hoa nở đúng tết

Nếu dự báo thời tiết tháng 12 ít rét, trời nồm ấm các nụ hoa trên cây tương đối lớn, khả năng hoa sẽ trước tết, cần bới đất quanh gốc để lộ một phần rễ cây, kết hợp khoanh vỏ thân cây. Nếu dự báo thời tiết tháng 12 sẽ lạnh, có nhiều đợt gió mùa đông bắc tăng cường, các nụ hoa trên cây còn khá nhỏ, khả năng hoa nở sau tết, phải tăng cường chăm bón ngay từ cuối tháng 11, kết hợp pha nước ấm với lân supe tưới thúc hoa. Có thể bón thêm Kali hoặc tro bếp.

Kinh nghiệm nhận định thời tiết cho cây đào

Ngày Lập xuân trước Tết Nguyên đán thì cuối năm mùa đông sẽ rét sớm. Ngày Lập xuân sau Tết Nguyên đán thì cuối năm mùa đông rét muộn. Hoặc tháng 9 nhiều mưa giông, tháng 10 cá diếc vẫn còn trứng, thì mùa đông rét muộn. Đầu năm nhiều sương muối, thường cuối năm nồm ấm nhiều. Trăng rằm tháng 8 sáng trong, trời ít mây, gió nhiều – mùa đông năm đó sẽ giá rét nhiều. Trăng rằm tháng 8 có quầng, mặt trăng vẩn đục, trời nhiều mây – mùa đông năm đó ấm ẩm.