Phú Quý (Bình Thuận): Loay hoay tìm đầu ra hải sản cấp đông

Ở vị trí tiền tiêu giữa biển khơi, khá nhiều cơ sở khai thác, kinh doanh hải sản Phú Quý (Bình Thuận) từ lâu đã hoạt động theo mô hình dịch vụ hậu cần trên biển. Với hình thức hoạt động khá đa dạng như hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, những thành viên của tàu dịch vụ bước đầu đã huy động được nguồn vốn cần thiết đầu tư, đóng tàu công suất lớn từ 400 CV trở lên, vươn khơi thu mua hải sản từ những tàu đánh bắt xa bờ.

Nhiều năm nay, đội tàu dịch vụ trên với 111 chiếc không chỉ thu mua hải sản các tàu đánh bắt xa bờ ở Phú Quý, Phan Thiết, La Gi mà còn mở rộng hình thức “tín chấp” mua hàng ra ngoài tỉnh. Thường các tàu dịch vụ hành trình trên biển khoảng 1 tháng thu sản phẩm có giá trị kinh tế cao như mực, cá thu, mú… vận chuyển vào 2 cảng (Phan Thiết, Phú Quý) cấp đông, chế biến xuất bán trong nước, rồi thanh toán tiền cho chủ tàu khai thác. Với dịch vụ này, chu trình sản xuất (khai thác – chế biến) được liên tục, giảm nhiều chi phí trung gian, chất lượng sản phẩm đảm bảo hơn. Đội tàu dịch vụ hậu cần Phú Quý qua những vụ cá nam thường mua được nhiều hải sản cao cấp là nhờ vậy, thu hút khá đông lao động địa phương.

Tuy nhiên đợt dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài trùng vào vụ cá nam, khá nhiều địa phương như Phan Thiết, La Gi đã và đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đội tàu dịch vụ Phú Quý không chỉ thu mua hải sản giảm mà việc tiêu thụ hải sản cấp đông đang khó khăn.

Theo thông tin từ huyện Phú Quý, hiện nay các kho chứa hàng mực đông lạnh của các doanh nghiệp Phú Quý (kể cả kho tại Phan Thiết và Phú Quý) đang chứa và tồn kho trên 3.500 tấn. Anh Thường, chủ đội tàu 6 chiếc hành nghề dịch vụ xa bờ ở Phú Quý không khỏi băn khoăn khi trao đổi với chúng tôi qua điện thoại: “Hiện lượng hải sản cao cấp đông lạnh của doanh nghiệp 300 tấn đang tồn kho tại Khu chế biến thủy sản Nam cảng cá Phan Thiết, hơn 1 tháng nay chưa tiêu thụ được. Thị trường truyền thống ở 2 thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh) và một số tỉnh miền Trung đang thực hiện Chỉ thị 16, việc vận chuyển đến nơi cho khách hàng rất khó khăn, hầu như không được!”. Không chỉ anh Thường mà nhiều chủ tàu dịch vụ khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ hải sản xa bờ Phú Quý đang mong chờ trong thời gian tới, khi 2 thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh) cùng các tỉnh miền Trung mở cửa trở lại, vận chuyển hải sản thông thoáng hơn, sẽ tạo điều kiện tiêu thụ lượng hải sản cấp đông đang tồn kho lâu nay. Đồng thời, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Phú Quý hỗ trợ cho vay tăng vốn lưu động sau giãn cách, tái đầu tư kinh doanh. Cùng đó, Điện lực Phan Thiết xem xét hỗ trợ giảm 10% tiền điện khi dùng bảo quản cấp đông tại các kho hàng nằm ở Khu chế biến thủy sản Nam cảng cá Phan Thiết, trong thời gian TP. Phan Thiết triển khai Chỉ thị 16 vừa qua, để phần nào giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp kinh doanh chế biến hải sản gặp rất nhiều khó khăn.

37 đơn vị kinh doanh dịch vụ hải sản xa bờ: “Hiện địa bàn huyện đảo Phú Quý có khoảng 37 doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên kinh doanh lĩnh vực hàng hải sản, thu mua hải sản cao cấp hàng năm khoảng 7.000 – 8.000 tấn, trong tổng sản lượng khai thác hàng năm bình quân 30.000 tấn của đảo (trong đó mức đạt từ 7.000 – 9.000 tấn). Các doanh nghiệp trên chủ yếu bán hàng hải sản tiêu thụ trong nước, chưa xuất khẩu trực tiếp ra thị trường nước ngoài, hiệu quả kinh tế chưa cao”- UBND huyện Phú Quý cho biết.