Phụ nữ làm giàu trên vùng đất khó

Si Ma Cai là huyện vùng cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cấp Hội và chính quyền địa phương, cùng với sự thay đổi nhận thức, dám nghĩ, dám làm nhiều chị em đã thoát nghèo.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất khó

Năm 2016, chị Ly Thị Xây (Dân tộc Mông, thôn Thào Chư Phìn, xã Thào Chư Phìn) nhận thấy việc trồng ngô hiệu quả kinh tế không cao nên suy nghĩ phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sau khi tìm hiểu, chị mạnh dạn đầu tư vốn chuyển đổi diện tích mảnh nương 3ha trồng ngô kém hiệu quả, sang trồng cây cam Vinh, cây quýt. “Khi tôi mang những gốc cam, gốc quýt đầu tiên về trồng trên mảnh đồi đầy nắng và gió này, không ai nghĩ tôi sẽ thành công. Bởi bao đời nay, người Mông ở nơi đây vốn chỉ quen với cây ngô, cây lúa”, chị Xây chia sẻ.

Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, cây bị bệnh chết khá nhiều, đã có lúc cũng thấy nản. Nhưng chị vẫn kiên trì, bền bỉ không bỏ cuộc, tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc.

Những phụ nữ "dám nghĩ dám làm" trên vùng đất khó - Ảnh 1.

Vườn cam của gia đình chị Ly Thị Xây

Đất không phụ công người, sau 5 năm cần mẫn, quyết tâm vượt khó, năm 2021 gần 3ha cam, quýt của gia đình chị Xây đã cho thu hơn 5 tấn quả, sau khi đã trừ các chi phí thu về gần 100 triệu đồng. Vụ cam năm nay, vợ chồng chị ước tính sẽ thu hoạch được khoảng 9 tấn quả. Với mức giá thị trường hiện nay, vườn cam dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận khoảng trên 150 triệu đồng.

Những phụ nữ "dám nghĩ dám làm" trên vùng đất khó - Ảnh 2.

Chị Xây chăm sóc vườn cam của gia đình

Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng hiện nay là hướng đến thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh, có lợi cho sức khỏe… Vì vậy, trong quá trình chăm sóc, gia đình chị Xây chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, công việc phát dọn cỏ được làm thủ công. Nhờ đó, ngoài việc giao và bán lẻ tại chợ, thông qua các trang mạng xã hội, các du khách còn đến thăm quan và mua tại vườn.

Từ thành công của chị, hiện nay, cấp ủy xã Thào Chư Phìn cũng vận động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khuyến khích bà con nhân dân phát triển cây ăn quả.  Để người dân có nguồn lực đầu tư phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát triển kinh tế.

Cũng như chị Xây, chị Giàng Thị Dở (thôn Chu Liền Chải, xã Quan Hồ Thẩn) đã quyết định trồng dưa trong nhà kính. Hiện tại, vườn dưa của gia đình chị có diện tích 1.000m2. Sau 4 tháng gieo trồng, hiện nay gia đình chị Dở đang bắt đầu thu hoạch những lúa quả dưa chuột đầu tiên, ước tính gần 30 triệu đồng.

Những phụ nữ "dám nghĩ dám làm" trên vùng đất khó - Ảnh 3.

Chị Giàng Thị Dở thu hoạch dưa trong nhà kính

Theo chị Dở, giống dưa chuột địa phương này, rất sai quả, nên năng suất cao, với diện tích 1.000m2 hiện chưa phải cuối vụ, mà gia đình tôi đã thu về 1 tấn quả. Với giá bán trung bình là 15.000 đồng/kg, nếu trừ chi phí giống, phân bón cũng cho gia đình thu nhập ổn định, cao hơn so với trồng ngô, lúa gấp 3 đến 4 lần.