Phát triển nuôi trồng thủy sản, đảm bảo nguồn cung cho thị trường

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản khoảng gần 6.900 ha, Vĩnh Phúc vẫn được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng để phát triển thuỷ sản theo hướng hàng hóa, góp phần đảm bảo nguồn cung cho thị trường và sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Gia đình anh Đào Văn Tỉnh, thôn Phủ Yên 1, xã Yên Lập (Vĩnh Tường) thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ mô hình nuôi cá giống. Ảnh: Nguyễn Lượng

Theo ông Trần Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh: Từ đầu năm đến nay, ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn do dịch Covid – 19 kéo dài. Hoạt động buôn bán, giao thương các mặt hàng thủy sản bị hạn chế do quá trình vận chuyển bị ngưng trệ; nhiều nhà hàng bị đóng cửa; nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản giảm.

Giống như ngành chăn nuôi, ngành thủy sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá thức ăn tăng liên tục, làm cho giá thành sản xuất tăng, dẫn tới giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Để tháo gỡ những khó khăn đó, ngành thủy sản đã hỗ trợ người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất để tiếp cận với nguồn cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt, giá cả phù hợp. Đồng thời, tích cực ứng dụng KHKT, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí chăn nuôi và bảo vệ môi trường.

Đơn vị phối hợp tốt với các địa phương quản lý chặt chẽ chất lượng giống, vật tư thủy sản. Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng tập trung để kịp thời khuyến cáo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi trồng.

Ngoài ra, đơn vị còn tích cực phối hợp với các ngành chức năng xử lý, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giữ vững thị trường truyền thống tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Năm 2021, toàn ngành phấn đấu tăng diện tích nuôi trồng thủy sản lên khoảng 6.800 ha, sản lượng thủy sản đạt khoảng 23,75 nghìn tấn, sản lượng giống 3,1 tỷ con các loại, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 5,8%.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thời gian qua, việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã phát triển theo hướng hiệu quả, đa dạng hình thức, đối tượng.

Nhiều tiến bộ KHKT mới được áp dụng vào sản xuất thủy sản: Cơ cấu giống có sự thay đổi, tăng tỷ lệ các giống cá có hiệu quả kinh tế vào sản xuất như cá chép, rô phi đơn tính, trắm, lăng, chuối hoa…; tăng cường sử dụng các thiết bị phụ trợ như: Máy tạo ôxy, máy cho cá ăn, máy đo chỉ số môi trường nước, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, thức ăn công nghiệp…

Đã có nhiều mô hình nuôi cá thâm canh cho năng suất cao, đạt trên 10 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng/ha; nhiều mô hình nuôi các đối tượng thủy sản mới, đặc sản thành công như: Nuôi cá tầm, trai lấy ngọc…

Đã hình thành nhiều vùng nuôi thủy sản tập trung, mang lại hiệu quả như: Sản xuất, ương dưỡng và kinh doanh giống thủy sản ở xã Yên Lập, Đại Đồng, Tân Tiến (Vĩnh Tường); nuôi cá thương phẩm ở Phú Đa, Tuân Chính (Vĩnh Tường), Tam Hồng, Yên Đồng, Nguyệt Đức (Yên Lạc); nuôi cá lồng ở Sông Lô…

Các đối tượng nuôi và hình thức nuôi ngày càng đa dạng như nuôi trong bể, ao đầm, hồ, nuôi lồng…

Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản luôn được quan tâm triển khai thực hiện, giúp nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Nhiều người dân thả cá giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản; không nuôi, phát tán thủy sinh vật ngoại lai xâm hại ra môi trường, tình trạng sử dụng kích điện để khai thác thủy sản đã được hạn chế….

Việc triển khai chương trình hỗ trợ người dân thực hiện dự án thủy sản được đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Chi cục Thủy sản đã hỗ trợ được 525 máy tạo ôxy cho 525 hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 640 ha/ 561 hộ nuôi cá rô phi đơn tính và chép lai 3 máu.

Riêng năm 2020, hỗ trợ 130 ha nuôi cá rô phi và chép lai, đạt 100% kế hoạch; cấp hỗ trợ 150 máy tạo ôxy/150 hộ, trong đó 130 máy quạt nước và 20 máy 3 quả phao, đạt 100% kế hoạch.

Kết quả thực hiện chương trình hỗ trợ đã đóng góp vào thành công của sản xuất thủy sản thời gian qua trên địa bàn tỉnh.

Từ các hộ tham gia trực tiếp đã có sự lan tỏa cho các hộ xung quanh, giúp mở rộng diện tích nuôi cá theo hướng thâm canh; chủ động, đầu tư trong nuôi thủy sản về con giống, thức ăn, thiết bị phụ trợ…

Nhờ đó, năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản đều tăng, góp phần bảo đảm cân đối nguồn cung thực phẩm trên thị trường.

Với nhiều cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi thủy sản, nhiều hộ có điều kiện đầu tư mở rộng diện tích, nâng cấp hệ thống ao nuôi, phát triển thuỷ sản theo hướng bền vững, hiệu quả.

Ông Đào Văn Tỉnh, thôn Phủ Yên 1, xã Yên Lập (Vĩnh Tường) cho biết: “Chính quyền địa phương, ngành chức năng luôn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nuôi cá giống mới, mua mới máy tạo ôxy, giúp người nuôi trồng quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản tập trung.

Nhờ diện tích mặt nước lớn, hiện gia đình tôi có điều kiện nuôi nhiều giống cá truyền thống như: Mè, trắm cỏ, chép, nheo…

Việc chuyển đổi ao nuôi theo hướng tập trung, nguồn nước đảm bảo, cá ít bị dịch bệnh, vì vậy cá giống của gia đình luôn đảm bảo chất lượng. Nếu đầu ra ổn định, gia đình có thể thu lãi trên 400 triệu đồng/năm”.

Để vừa phát triển ngành thủy sản trên địa bàn lại vừa đảm bảo ổn định về nguồn thực phẩm cho thị trường, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản đa dạng hóa đối tượng, phương thức nuôi trồng.

Áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản có giấy chứng nhận và truy xuất nguồn gốc đối với con giống chủ lực.

Bên cạnh đó, phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, vừa tiết kiệm nước lại bảo vệ môi trường… Đây sẽ là tiền đề quan trọng phát huy hiệu quả nuôi trồng thủy sản trên địa bàn trong thời gian tiếp theo.