Phát hiện sớm, phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa khi mưa nhiều ở Nam bộ

Các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đang có mưa nhiều, đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sinh vật gây hại phát triển.

Nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa. Ảnh: TTXVN

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn chung tình hình lúa, rau, cây ăn quả… bị nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại giảm mạnh. Tuy nhiên, các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đang có mưa nhiều, đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sinh vật gây hại phát triển.

Đối với cây lúa, các đối tượng sinh vật gây hại như: rầy, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, bệnh đạo ôn, bệnh đen lép hạt, bệnh bạc lá và chuột gây hại đều giảm mạnh. Điển hình như: có 9.388 ha bị nhiễm rầy, giảm 10.004 ha so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu tại các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Điện Biên

Hay, bệnh đạo ôn lá có 8.653 ha, giảm 7.056 ha so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang…
Riêng ốc bươu vàng gây hại 1.324 ha, tăng 296 ha so với so với cùng kỳ năm trước, tại các tỉnh thành như: Tp. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Lâm Đồng…

Cây ngô tiếp tục bị sâu keo mùa thu phát sinh và gây hại với diện tích nhiễm 793 ha, giảm 1.811 ha so với cùng kỳ năm trước, tập trung tại Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên…

Với cây rau, chủ yếu sâu xanh da láng hại hành với 300 ha; trong đó, 280 ha bị nặng và mất trắng 20 ha, chủ yếu tại Nghệ An.

Với các loại cây ăn quả, bệnh chổi rồng trên cây nhãn, bệnh đốm nâu trên cây thanh long có diện tích nhiễm bệnh giảm mạnh. Tuy nhiên, bọ cánh cứng trên cây dừa có 12.494 ha bị nhiễm, giảm 252 ha so với tuần trước, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn tăng 4.258 ha. Các loại bệnh như: vàng lá thối rễ, vàng lá gân xanh trên cây ăn quả có múi cũng tăng so với tuần trước và tăng so cùng kỳ năm ngoái.

Cục Bảo vệ thực vật dự báo, với cây lúa, tại các tỉnh Bắc bộ, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng, sâu non phát sinh, phát triển và gây hại tăng trên trà lúa chính vụ – muộn.

Ngoài ra, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn…. tiếp tục phát sinh gây hại tăng trên các giống nhiễm. Chuột tiếp tục phát sinh gây hại tăng trên lúa giai đoạn làm đòng – trỗ bông, hại nặng cục bộ những ruộng cạn nước, ven gò bãi, ven làng, gần khu công nghiệp. Bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh gây hại cục bộ chủ yếu ở các tỉnh trung du và miền núi.

Lúa ở các tỉnh Bắc Trung bộ chủ yếu phát sinh sâu cuốn lá nhỏ, chuột gây hại tăng. Ngoài ra, bệnh khô vằn, lem lép hạt, bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục phát sinh và gây hại xu hướng tăng trên lúa giai đoạn đòng trỗ – chín, mức độ hại phổ biến từ nhẹ – trung bình.
Các tỉnh Duyên Hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa giai đoạn đứng cái – đòng trỗ. Bệnh đạo ôn lá và cổ bông gây hại cục bộ; rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh lem lép thối hạt… phát sinh và gây hại tăng trên lúa giai đoạn đòng trỗ – chín…

Với các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, rầy nâu tiếp tục phát triển và gây hại phổ biến, cục bộ có diện tích nhiễm nặng trên lúa giai đoạn làm đòng – trỗ. Do điều kiện thời tiết thuận lợi có mưa nhiều, độ ẩm cao nên bệnh đạo ôn sẽ tiếp tục gây hại tăng và lây lan trên trà lúa giai đoạn từ đẻ nhánh – đòng trỗ, nhất là những ruộng gieo trồng giống nhiễm, gieo sạ dày, bón thừa phân đạm. Cũng do ảnh hưởng thời tiết, bệnh bạc lá vi khuẩn, bệnh lem lép hạt tiếp tục phát triển gây hại.

Đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng, những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và phun thuốc trừ sâu sớm có thể bị hại nặng bởi sâu cuốn lá.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đơn vị chỉ đạo các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng, các tỉnh theo dõi chặt tình hình sinh vật gây hại và hướng dẫn phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại chính trên cây trồng.

Các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy nâu trên đồng ruộng; phát hiện sớm những diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá để có biện pháp quản lý dịch hại kịp thời. Các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến rầy vào đèn, xác định cao điểm rầy vào đèn chỉ đạo xuống giống “né rầy”.

Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các tỉnh thành thực hiện tốt công văn số 4596/BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại cây trồng vụ Hè Thu – Mùa, Thu Đông năm 2021.