Phát hiện số lượng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc lớn nhất từ trước đến nay

Ngày 2/7/2020, Đoàn thanh tra của Tổng cục Thủy sản phối hợp với Phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh Phú Yên, Chi cục Thủy sản Phú Yên tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản tại Phú Yên và phát hiện sai phạm của 4 cơ sở.

Cụ thể, hộ kinh doanh giống thủy sản Khanh và hộ kinh doanh giống thủy sản Chín (tên biển hiệu là Thủy Thuận) tại xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; không có bất kỳ giấy tờ liên quan đến sản xuất giống thủy sản.

Với hộ kinh doanh giống thủy sản Khanh, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn đã phát hiện có 1.400 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ không có nguồn gốc (tôm từ ao nuôi thương phẩm), cơ sở đang nuôi giữ 60 triệu Nauplius chuẩn bị xuất bán. Còn tại hộ kinh doanh giống thủy sản Chín đang nuôi giữ 3.000 con tôm hậu bị khối lượng 20 g/con. Chủ cơ sơ khai bảo số tôm này được mua từ ao thương phẩm về để nuôi thành tôm bố mẹ. Tại cơ sở có 4 con tôm sú bố mẹ đã cắt mắt cho sinh sản và 20 vạn tôm PL20 tôm sú. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị lưu giữ toàn bộ số tôm giống để tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Kiểm tra cơ sở sản xuất giống thủy sản ở Phú Yên

Đối với hộ kinh doanh giống thủy sản Hai Thuận (tên biển hiệu là SVS) cũng tại xã Hòa Hiệp Trung đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Tuy nhiên, cơ sở này đang nuôi giữ 1.100 con tôm bố mẹ đã cắt mắt cho sinh sản. Trong đó, 600 con tôm bố mẹ mua từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 (RIA3); số tôm còn lại không có nguồn gốc. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị lưu giữ toàn bộ 500 con tôm bố mẹ không có nguồn gốc để tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Với hộ kinh doanh giống thủy sản Xuân Đông (xã Hiệp Hòa Trung), cơ sở này đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, hiện đang nuôi giữ 600 con tôm bố mẹ mua từ RIA 3, song không ghi chép quá trình sản xuất, ương dưỡng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính này.

Theo báo cáo của Đoàn thanh tra của Tổng cục Thủy sản, tổng số tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc là 4.900 con tôm thẻ chân trắng, 4 con tôm sú bố mẹ, 60 triệu Nauplius. Đây là số lượng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện. Số Nauplius bán từ các cơ sở này trung bình hơn 100 triệu con/ngày, cung cấp cho các tỉnh, thành phố Đà Nằng, Ninh Thuận và Bình Thuận (Khu xóm 7) để hợp thức hóa thành tôm có nguồn gốc, bán với giá tôm có thương hiệu, giá cao.

Các lỗi vi phạm, gồm: Vi phạm về nguồn gốc xuất xứ theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Vi phạm về điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Vi phạm về công bố chất lượng giống thủy sản theo quy định tại Nghị định số 119/2017-NĐ-CP ngày 1/11/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Có thể thấy, thời gian qua, công tác quản lý giống tôm nước lợ đã đạt được những hiệu quả nhất định, góp phần vào thành công của ngành tôm Việt Nam. Để cung cấp đủ tôm giống đảm bảo chất lượng, phục vụ cho nhu cầu thả nuôi, ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm; ban hành các văn bản chỉ đạo; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 3/1/2020, với hình phạt bổ sung buộc tiêu hủy giống động vật thủy sản với hành vi vận chuyển giống thủy sản không có Giấy chứng nhận kiểm dịch. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để xử lý triệt để phương tiện vận chuyển tôm giống không thực hiện kiểm dịch. Đồng thời tích cực phối hợp cùng các tỉnh ĐBSCL tổ chức kiểm tra liên ngành; phối hợp với Bộ Công an thanh tra đột xuất, xử phạt các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ vi phạm. Sau khi kiểm tra, Tổng cục Thủy sản thực hiện truy xuất, xử lý tận gốc các cơ sở sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Hy vọng với những biện pháp mạnh tay này, chất lượng giống thủy sản nói chung và tôm giống nói riêng sẽ được nâng cao hơn nữa, đáp ứng sự mong đợi của bà con nuôi tôm.