Ổn định cho vựa lúa

Một giải pháp căn cơ, đó là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, nông dân không còn sản xuất đơn lẻ mà phải hình thành  hợp tác xã và tổ hợp tác, liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp trên hợp đồng thương mại cụ thể.

Ổn định cho vựa lúa

Thu mua lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tới thời điểm này, việc thu mua tạm trữ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biến. Còn nhớ, chiều 19/2, tại buổi làm việc với lãnh đạo các bộ ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết liệt chỉ đạo về vấn đề này với tinh thần Chính phủ phục vụ người dân, được mùa nhưng không rớt giá, đồng tâm hiệp lực để đời sống người nông dân tốt hơn. Từ đó nhiều biện pháp đã được xác định để thu mua lúa gạo cho nông dân, ổn định cuộc sống của người nông dân tại vựa lúa ĐBSCL.

Có một thực tế là từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, các doanh nghiệp chưa chủ động mua thêm lúa gạo, kể cả các thương lái. Tại Hội nghị kiểm điểm lại việc thực hiện Quyết định 445/QĐ-TTg về Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, chuỗi giá trị trong sản xuất không chỉ của doanh nghiệp và hợp tác xã mà nên đưa vào cả thương lái, thực tế không thể bỏ thương lái ở ngoài được. Tất nhiên điều đó liên quan tới việc đối xử với thương lái như thế nào, cần đưa vào trong hệ thống để chia sẻ lợi ích.

Như vậy, vai trò của thương lái trong thu mua lúa gạo tại ĐBSCL là rất lớn. Nhưng, cũng chính vì thế mà vì lợi nhuận họ có thể thu mua ồ ạt với giá cao mà cũng có thể ngừng đột ngột việc thu mua khi giá xuống thấp, cung vượt cầu. Không loại trừ trường hợp bắt tay nhau để “làm giá”, ép người nông dân; cũng như bỏ cả tiền đặt cọc không mua lúa gạo, khiến người trồng lúa đã khó lại càng khó thêm.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất của đợt thu mua tạm trữ lúa gạo lần này là sau khi có thông tin Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mua 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo dự trữ quốc gia, thị trường lúa gạo ở ĐBSCL đã có dấu hiệu khởi sắc, bước đầu giá đã tăng trên dưới 300 đồng/kg. Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2 của Chính phủ mới đây (chiều 1/3), Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết ngày 22/2, Công ty Lương thực miền Nam cùng với doanh nghiệp Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ việc nhập khẩu 100.000 tấn gạo, trong đó có 70% gạo tẻ, 30% gạo nếp. Với những động thái đó, giá lúa, gạo tại ĐBSCL đã nhích lên.

Có được điều đó là do sau khi Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thì các địa phương, các tổng công ty lương thực và ngân hàng tạo điều kiện tiêu thụ lúa gạo giúp dân. Trong đó, vai trò của các ngân hàng là rất quan trọng. Thông tin từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện lãi suất cho vay tối thiểu của các ngân hàng thương mại là 6,5%/năm, nhưng chương trình thu mua tạm trữ gạo là vấn đề rất lớn, nên hệ thống ngân hàng thương mại đã thống nhất lãi suất cho các doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn, thực hiện thu mua lúa gạo tạm trữ là 6%/năm, tổng số vốn thực hiện chương trình này là 100.000 tỷ đồng. Riêng khu vực ĐBSCL chiếm 50% tổng số vốn này.

Đó là những động thái rất tích cực trước vấn đề nóng với vựa lúa ĐBSCL, có thêm hiệu ứng của sự cộng hưởng, cộng đồng trách nhiệm từ các địa phương. Nhưng ở đây, theo giới chuyên gia và nhà quản lý thì then chốt vẫn phải là chủ động kế hoạch sản xuất, kế hoạch tiêu thụ để không bị động trước sự lên xuống của giá cả. Đây cũng là vấn đề được đặt ra từ khá lâu, nhằm tránh tình trạng “được mùa rớt giá”, loại bỏ tình trạng “treo ruộng” như đã từng xảy ra.

Cũng mới đây thôi, trong khuôn khổ Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL diễn ra tại Đồng Tháp (ngày 26/2), nhiều ý kiến từ doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã nhận xét, việc “giải cứu” dù rất tích cực thì cũng vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, vẫn phải bảo đảm tiêu thụ hết lúa, nông dân đảm bảo lợi nhuận 30% mới là mục tiêu hướng đến. Về vấn đề này, quan điểm của Bộ NNPTNT là có thể giảm diện tích trồng lúa, nhưng phải tăng giá trị gạo xuất khẩu. Theo đó, Bộ NNPTNT sẽ quy hoạch giảm 500.000 ha sản xuất lúa tại các khu vực xâm nhập mặn, diện tích vùng cao, vùng trũng và vùng ven đô. Ước tính, sản lượng lúa sẽ giảm 1 triệu tấn. Như vậy, nông dân và các doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư chất lượng sản phẩm, thay vì chạy theo số lượng như hiện nay.

Một giải pháp căn cơ nữa cũng được “nhắc lại”, đó là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, nông dân không còn sản xuất đơn lẻ mà phải hình thành  hợp tác xã và tổ hợp tác, liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp trên hợp đồng thương mại cụ thể. Nói rằng “nhắc lại” là vì chương trình chuỗi liên kết đã có từ 10 năm nay, nhưng hiệu quả vẫn không được như mong muốn.

Tới thời điểm này, việc thu mua tạm trữ lúa gạo tại ĐBSCL vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Nhưng mong muốn sâu xa hơn chính là tạo cho được sự ổn định của vựa lúa ĐBSCL. Không chỉ theo từng vụ, mà phải ổn định lâu dài. Vì rằng ĐBSCL là nơi sản xuất chủ yếu lúa gạo của đất nước. Cũng cần nhắc lại, Việt Nam đã vươn lên vị trí nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo, trong đó có đóng góp rất lớn của vựa lúa ĐBSCL.