Nuôi trồng thủy sản bảo vệ rừng ngập mặn

Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều địa phương ven biển, đầm phá các tỉnh ven biển, duyên hải miền Trung và ĐBSCL đang tích cực triển khai mô hình phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với trồng rừng ngập mặn mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan và bền vững.

09-01-34_48386778_570781130051520_5449382100606124032_n
Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp rừng ngập mặn là giải pháp phát triển kinh tế bền vững

Ông Lai Duy ở xã Hương Phong, TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế là một trong những hộ dân đầu tiên bên phá Tam Giang mạnh dạn đưa cây bần, đước… vào trồng thử nghiệm bao quanh chân đê của ao nuôi thủy sản của gia đình. Ba mươi năm gắn bó nghề nuôi trồng thủy sản bên phá Tam Giang, ông Duy nhận thấy việc nuôi chuyên canh con tôm rất khó thành công, nay được mai mất.

Chính vì vậy, với 3ha mặt nước hiện tại gia đình ông Duy chọn giải pháp thả nuôi nhiều đối tượng thủy sản khác nhau xen canh khu rừng ngập măn xung quanh ao. Với 500 cua thịt, 1.000 cá đuối, 10 vạn tôm sú… bình quân mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình ông Duy 130 – 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận dao động 40 – 50 triệu đồng.

Theo đúc kết của ông Duy, trồng rừng ngập mặn vừa giúp giữ đê điều vừa có chỗ cho tôm, cua, cá trú ẩn, tạo bóng râm những ngày trời nắng nóng nên tiết kiệm được trên 20 triệu đồng tiền tu sửa, chống xói mòn cho ao nuôi so với cách nuôi truyền thống trước đây.

Tương tự, gia đình ông Lê Diêu ở xã Hương Phong cũng đang gặt hái những thành công nhờ nuôi cua thương phẩm gắn với trồng rừng ngập mặn. Trên diện tích 3.000m3 mặt nước, ông Lê Diêu thả nuôi 3.000 con giống, sau 4 tháng rưỡi nuôi, cua đạt trọng lượng bình quân 300 g/con, năng suất bình quân đạt 2,2 tấn/ha, lãi trung bình từ 70 – 120 triệu đồng/ha.

Xã Hương Phong hiện có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 220ha, với sự tham gia của 176 hộ. Nhằm hạn chế rủi ro do các loại dịch bệnh thủy sản gây ra, đến nay 100% số hộ trên địa bàn xã đã chuyển sang hình thức nuôi xen ghép kết hợp trồng rừng ngập mặn. Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn qua hàng năm không ngừng tăng cao.

Từ các kết quả khảo sát, nghiên cứu, thử nghiệm mô hình tại khu vực ĐBSCL và một số tỉnh ven biển, như mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng ngập mặn; Khôi phục rừng ngập mặn trong các đầm nuôi tôm bị thoái hoá; Mô hình cải tiến thiết kế đầm nuôi tôm lâm – ngư kết hợp; Mô hình trồng cây trên các bờ bao đầm nuôi tôm, các chuyên gia, nhà khoa học của Viện Nghiên cứu sinh thái và Môi trường rừng khẳng định, xét trên tổng thể mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn rất nhiều so với việc canh tác thủy sản theo lối truyền thống trước đây.

09-01-34_48388686_269894930316578_284077280215433216_n
Ảnh: Q.N

Do đó, họ kiến nghị cần sớm quy định riêng về các chính sách thể chế sử dụng, quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn có liên quan tới ngành thuỷ sản. Trong đó, nên thiết lập một chương trình nghiên cứu quốc gia về đất ngập nước, trong đó có hệ sinh thái rừng ngập mặn để kêu gọi các nguồn đầu tư trong nước và quốc tế nhằm hướng tới sự phát triển bền vững các mô hình kinh tế và hệ sinh thái gắn liền với bảo vệ rừng ngập mặn.