Nuôi tôm thẻ đảm bảo an toàn thực phẩm

Đó là nội dung chính của buổi tọa đàm do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh tổ chức mới đây tại xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải.

Trong những năm gần đây, con tôm thẻ chân trắng trở thành đối tượng nuôi chủ lực của Trà Vinh và các tỉnh ven biển ĐBSCL, với tổng diện tích gần 100.000 ha nhờ năng suất, sản lượng và hiệu quả cao. Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết, khí hậu, môi trường tác động ngày càng tiêu cực làm tôm nuôi dễ bị nhiễm bệnh, gây thiệt hại và mất an toàn vệ sinh thực phẩm, bất lợi cho xuất khẩu. Vì vậy, làm sao vừa nuôi tôm thẻ đạt hiệu quả cao nhưng vẫn đảm bảo ATTP là vấn đề được ngành chức năng, doanh nghiệp và người nuôi tôm đặc biệt quan tâm.

Buổi tọa đàm được tổ chức ngay tại thực địa vùng nuôi tôm thẻ chân trắng

Trao đổi với người nuôi tôm, ông Kim Văn Tiêu lưu ý, tôm thẻ chỉ phát triển tốt nhất ở độ mặn dưới 20‰, nếu vượt độ mặn này, tôm sẽ giảm ăn, chậm lớn, sức đề kháng giảm và dễ bị mầm bệnh tấn công, gây thiệt hại. Ông Tiêu chia sẻ: “Đối với tình hình nắng nóng và độ mặn quá cao như hiện nay, người nuôi cần lưu ý thực hiện tốt “5 không”, gồm: không thả nuôi trái với lịch thời vụ do ngành chức năng địa phương công bố; không sử dụng con giống chưa được kiểm dịch; không thả giống quá nhỏ; không để dư thừa thức ăn và không thu hoạch lúc tôm đang lột xác”. Tại buổi tọa đàm, nông dân còn được thông tin thêm về các hóa chất, kháng sinh cấm hoặc hạn chế sử dụng trong nuôi tôm; các dịch bệnh phổ biến trên tôm, như: hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng, vi bào tử trùng… và cách phòng trị; các tiêu chuẩn về ATTP đối với tôm nuôi…

Buổi tọa đàm tuy không dài nhưng đã giải đáp được hầu như toàn bộ những thắc mắc, băn khoăn của người nuôi tôm về các vấn đề liên quan đến khoa học kỹ thuật, cơ chế chính sách, tiêu chuẩn ATTP của thị trường… giúp người nuôi yên tâm sản xuất.