Nuôi tôm càng xanh mùa lũ tại ĐBSCL

Nuôi tôm càng xanh mùa lũ hiện đang được áp dụng tại nhiều vùng lũ ĐBSCL. Vì thực tế qua nhiều mùa lũ, việc nuôi tôm càng xanh đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa vụ 3.

Mô hình nuôi tồm càng xanh trên mặt ruộng vào mùa lũ tại huyện An Phú, An Giang. Ảnh: Văn phòng Thường trực BCĐ TƯ PCTT

Ông Trịnh Văn Dinh, ấp Vĩnh Thuấn, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, An Giang từ nhiều năm nay đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trên mặt ruộng vào mùa lũ. Vào đầu mùa lũ, tôm càng xanh nhỏ (tôm lóng) theo nước lũ về, ông Định đặt lới đánh bắt và thả nuôi tôm trong lưới quây.

Tôm sẽ được cho ăn tự nhiên, ốc nhỏ, động vật phù du nhỏ trong nước lũ, lũ càng lên, tôm càng lớn nhanh. Sau khoảng 2,5- 3 tháng thì tôm lớn và cho thu hoạch được. Hiện diện tích ông nuôi thả 0,3 ha với 12.000-13.000 con tôm nhỏ

Năm nay, lũ lên cao ông hi vọng sẽ được mùa hơn năm ngoái. Năm ngoái ông thu hoạch được khoảng 200 kg tôm bán, còn năm nay ông dự kiến sẽ được 300kg, với giá thị trường ông kiếm được hơn 100 trăm triệu, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập vào mùa lũ.

Theo kinh nghiệm của người nuôi tôm, năm nào nước lũ đổ về nhiều, nguồn nước ngọt tự nhiên dồi dào, nông dân không cần phải xử lý nước, giúp tôm mau lớn. Nước lũ sẽ cung cấp thêm nhiều thức ăn tự nhiên cho tôm, giảm tiêu tốn thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, phải thường xuyên kiểm tra hệ thống đăng lưới bảo vệ mỗi ngày để đảm bảo tôm không thoát ra ngoài.

Ngay từ khi chưa có lũ thì người dân cũng phải lưu ý cải tạo mặt ruộng bằng phẳng, xử lý vôi bột diệt cá tạp, côn trùng; tu sửa bờ đê, chuẩn bị cọc tràm, lưới bao quanh ruộng tôm khi lũ về.