Nuôi rắn cho thu nhập cao

Anh Nguyễn Văn Thịnh ở xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) thành công với mô hình nuôi rắn cho thu nhập hàng trăm triệu/năm. Tuy mô hình chưa lớn nhưng nhiều người khâm phục anh khi gặp liên tiếp trở ngại nhưng vẫn theo đuổi khát vọng làm giàu tới cùng.

“Vua” rắn làng

Liên tiếp thất bại

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông con ở xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), từ nhỏ Nguyễn Văn Thịnh ấp ủ ước mơ thực hiện một mô hình kinh tế chăn nuôi trên mảnh đất mình sinh ra. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Thịnh dự định thực hiện mô hình chăn nuôi gà và lợn nhưng mơ ước đó sớm vụt tắt khi số vốn dự kiến quá sức với cậu.

Ngay sau khi đặt chân tới Đài Loan đi theo diện xuất khẩu lao động, Thịnh xác định luôn là phải cố gắng “cày cuốc” ngày đêm ở nước bạn để có số vốn về quê khởi nghiệp. Sau một thời gian làm việc tại Đài Loan, có một số vốn kha khá, Thịnh quyết định về nước thực hiện ước mơ còn dang dở. “Khi còn ở bên Đài Loan mình hay lên mạng tìm hiểu các mô hình kinh tế về nông nghiệp của thanh niên trong nước. Mình rất khâm phục nhiều bạn, dù khó khăn nhưng vẫn quyết tâm xây dựng nên nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao ngay tại quê hương”, Thịnh chia sẻ.

Trở về quê, không như bao thanh niên khác tìm cách “xả hơi” sau những năm tháng lao động vất vả nơi đất khách, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thịnh liền lên đường ra Vĩnh Phúc, quê của một người bạn để tìm hiểu mô hình nuôi rắn. “Người bạn này đã xây dựng mô hình nuôi rắn thành công, cho thu nhập cao nên mình muốn ra tận nơi để tìm hiểu thêm. Lần đi này đã làm thay đổi cuộc đời mình”, Thịnh chia sẻ.

Sau một thời gian “tầm sư”, Thịnh quyết định xây dựng mô hình nuôi rắn tại nhà. Dự định của Thịnh vừa đưa ra để xin ý kiến bố mẹ, lập tức bị dội một “gáo nước lạnh” khi bố mẹ và hàng xóm nhất quyết không cho “mang họa về nhà”. “Khi nghe tôi bàn nuôi rắn, bố mẹ ban đầu không đồng ý, còn bảo tôi là gàn dở mới nuôi con này. Bố mẹ sợ nuôi rắn nguy hiểm, chuồng trại lại sát ngay nhà”, Thịnh kể. Sau gần 1 năm thuyết phục, bố mẹ Thịnh mới chấp thuận cho “đứa con trai gàn dở” mở mô hình nuôi rắn tại nhà.

Được sự ủng hộ từ gia đình, Nguyễn Văn Thịnh tìm đến một số tỉnh ở phía Bắc để học hỏi thêm kinh nghiệm từ các mô hình đã thành công. Tự tin với  những kiến thức học được về, Thịnh lên phương án, liên hệ với cơ quan chức năng làm thủ tục xin cấp phép. Với số vốn ban đầu 200 triệu đồng, Thịnh xây 18 chuồng trại trên diện tích gần 100m2 từ đất vườn của gia đình. Chuồng nuôi rắn được thiết kế theo hình thức khép kín với nhiều lớp, phân ngăn, mỗi ngăn rộng khoảng hơn 3m2.

Hoàn thành việc xây dựng chuồng trại, tháng 10/2014, Thịnh bắt đầu mua 450 con rắn giống hổ trâu về thả. Thời gian đầu nuôi, do chưa có kinh nghiệm nên rắn chết nhiều. “Thực sự giai đoạn này mới thấy nuôi rắn vất vả không đơn giản như mình tính toán ban đầu. Nhiều đêm lo lắng không ngủ được, ra chuồng thấy rắn chết trong người cứ như điên như dại muốn vứt hết để chuyển nghề khác”, Thịnh nhớ lại.

Sau một năm thất bại, không đầu hàng, chàng trai trẻ tiếp tục “khăn gói” tìm đến một số mô hình ở các tỉnh phía Bắc để học hỏi thêm. Năm 2016 anh quyết định nuôi thêm loại rắn hổ mang chúa. Và cuối cùng anh đã thành công khi lứa này xuất được hơn 1.000 quả trứng, 5 tạ rắn thịt, trừ chi phí thu lãi hơn 250 triệu đồng.

Thu nhập cao

Hiện anh Thịnh đang nuôi 500 con rắn hổ mang, 200 con rắn hổ trâu và khoảng hơn 1 tạ rắn mồng đỏ (nục đỏ) thả dưới ao. Mở rộng thêm mô hình, anh Thịnh đang xây dựng thêm 350 chuồng lớn nhỏ để nuôi loại rắn sinh sản và ấp trứng. Theo anh Thịnh, giá rắn thịt trên thị trường khoảng 500-700 nghìn đồng/kg, trứng rắn hổ trâu từ 120-145 nghìn đồng/quả, trứng hổ mang từ 60-70 nghìn/quả. “Nuôi rắn hổ mang độc và nguy hiểm nhưng thu nhập không cao bằng loại rắn hổ trâu, giá thị trường bán ổn định nên có bao nhiêu cũng xuất được hết. Sắp tới gia đình cũng sẽ mở rộng quy mô”, anh Thịnh cho biết.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi rắn, anh Thịnh cho rằng nếu am hiểu thực sự về rắn sẽ rất dễ nuôi vì có sức đề kháng cao và ít bị dịch bệnh. “Rắn chỉ ăn các loại thức ăn tự nhiên như cóc, chuột… Cứ 3 ngày mới phải cho ăn một lần. Đến mùa đông, không phải cho ăn, chỉ cần đảm bảo vệ sinh và đủ ấm”, anh Thịnh cho hay.

Trải qua 4 năm nuôi rắn, anh Thịnh cũng không nhớ biết bao nhiêu lần mình bị rắn cắn. Có lần chủ quan, anh vội mở chuồng rắn ra kiểm tra bị hàng chục con rắn hổ trâu đến tấn công vào mặt, tay. May mắn những con tấn công thuộc loại rắn trâu, không nguy hiểm. “Đối với loài rắn hổ trâu cắn không sao, nhưng loài hổ mang là cực độc, phải có thuốc điều trị không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Rắn rất hung hãn khi ngửi thấy mùi rượu, bia, nên khi nào uống thì không nên lại gần chuồng trại”, anh Thịnh cho biết.

Tổng đài 19001595