Nước mặn xâm nhập sớm ở Hậu Giang – Bài cuối: Chủ động ứng phó

Trước tình trạng xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, người dân và các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại, nhất là trong cao điểm mùa khô 2020 sắp tới.

Chú thích ảnh

Nạo vét kênh mương nội đồng để chủ động ngăn mặn, trữ ngọt tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Đóng cống, đập

Để bảo vệ gần 30.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ triều cường biển Tây, các địa phương của tỉnh Hậu Giang như thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ, đang theo dõi độ mặn thường xuyên và vận hành các công trình cống, đắp đập thời vụ kịp thời để ngăn mặn.

Cụ thể, trên tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ – Vị Thanh, tỉnh đã đóng 16 cống hở ở xã Lương Nghĩa, xã Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ); xây dựng các đập thời vụ tại các xã có nguy cơ xâm nhập mặn cao trên địa bàn huyện Long Mỹ, hiện đã hoàn thành 43 đập và sẽ tiếp tục triển khai 27 đập giai đoạn 2.

Tại thành phố Vị Thanh, đến nay đã tiến hành đóng 20 cống ngầm, 6 cống hở dọc theo tuyến sông Nước Đục và sông Cái Lớn, nơi có nồng độ mặn tăng nhanh trong những ngày qua. Bên cạnh đó, thành phố tổ chức rà soát, sửa chữa nhiều đập thời vụ để sẵn sàng đắp lại khi độ mặn vượt mức 1,5 phần nghìn.

Ngành nông nghiệp đã phối hợp với hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường khuyến cáo người dân không lấy nước vào đồng khi xảy ra xâm nhập mặn. Đối với vườn cây ăn trái, tuyệt đối không để nước mặn vào trong mương. Với các địa phương chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn từ triều biển Đông như huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy, người dân cần tuân thủ nghiêm những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong việc lấy nước vào vườn cây ăn trái theo từng thời điểm phù hợp, nếu không, dễ dẫn đến tình trạng nước mặn xâm nhập làm ảnh hưởng đến sản xuất.

Đồng thời, người dân chủ động nạo vét kênh, mương, tạo độ sâu để tích trữ được nhiều nước ngọt, kết hợp tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách tiết kiệm. Người dân cần thường xuyên theo dõi dự báo, nắm thông tin về tình hình xâm nhập mặn để thực hiện trữ nước phù hợp.

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, Văn phòng thường xuyên cập nhật diễn biến xâm nhập mặn trong khu vực và trên địa bàn tỉnh từ các cơ quan dự báo khí tượng, thủy văn Trung ương, địa phương; chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên kiểm tra, vận hành hệ thống cống, sẵn sàng đóng cống khi xảy ra xâm nhập mặn; khai thác hiệu quả số liệu từ các trạm đo mặn tự động.

Chủ động trữ nước ứng phó xâm nhập mặn

Ông Võ Thanh Hồng, ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết qua theo dõi thông tin, biết được năm nay xâm nhập mặn sớm nên trước khi bước vào mùa khô, gia đình ông đã nạo vét mương sâu hơn năm trước để chủ động trữ nước tưới cho 1,5 ha khóm (dứa).

Những ngày con nước lớn, ông Võ Thanh Hồng luôn theo dõi tình hình xâm nhập mặn qua các phương tiện thông tin. Đồng thời, gia đình chủ động theo dõi việc vận hành các cống ngăn mặn gần nhà, khi thấy đóng cống thì ngưng lấy nước, cống mở thì bơm nước để tích trữ nên diện tích dứa của gia đình ông Hồng không sợ thiếu nước trong mùa khô năm nay.

Vừa được ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 4.000 m2 bưởi da xanh, ông Đặng Văn Út, ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, phấn khởi cho biết: Hệ thống tưới tiết kiệm nước này rất tiện lợi, tiết kiệm so với hệ thống tưới phun sương hoặc tưới bằng máy. Trong điều kiện hạn mặn, hệ thống này giúp đảm bảo lượng nước cho vườn cây. Bây giờ, khi cần tưới nước, ông chỉ cần bật điện thoại lên để điều khiển, sau 15 phút đã tưới xong, tốn chưa tới một kW điện, tiết kiện nhiên liệu, tiết kiệm nước, vừa tranh thủ thời gian làm việc khác. Trong khi tưới bằng máy phải mất một buổi, tiêu tốn gần 3 lít xăng, lượng nước tưới nhiều hơn mà không hiệu quả.

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ cho biết, trước tình hình xâm nhập mặn phức tạp như năm nay, ngành nông nghiệp huyện đã có sự chuẩn bị sớm hơn so với các năm trước như xuống đập thời vụ, thực hiện đóng cống ngăn mặn, lấy nước phục vụ lúa Đông Xuân. Huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát, kiểm tra, vận hành các công trình thủy lợi để trữ nước sinh hoạt và tưới tiêu; cập nhật diễn biến tình hình xâm nhận mặn để kịp thời thông báo, khuyến cáo, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất phù hợp, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Ngành thủy lợi thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các công trình ngăn mặn để đảm bảo vận hành; theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn, đặc biệt là trên hệ thống trạm đo mặn tự động để thông báo các địa phương có phương án vận hành các công trình kịp thời và thông báo đến người dân để bảo vệ sản xuất.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, tỉnh quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp phòng ngừa, chủ động để hạn chế thiệt hại cho người dân. Các địa phương thường xuyên kiểm tra hệ thống cống, đập thời vụ để tiến hành đề xuất nâng cấp, sửa chữa kịp thời. Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch, giao việc hết sức cụ thể cho từng ngành, địa phương chủ động trong phòng và ứng phó xâm nhập mặn năm 2020.

Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kiểm tra và chỉ đạo thực tế một số công trình ngăn mặn trên địa bàn như duy tu, bảo trì hệ thống cống đập đảm bảo vận hành kịp thời khi có tình huống mặn xảy ra. Đồng thời, các đơn vị thường xuyên đo mặn theo dõi sát các hướng xâm nhập mặn từ triều biển Tây và biển Đông để thông báo kịp thời cho cán bộ các cấp, phổ biến cho người dân trên địa bàn tỉnh để người dân chủ động trong việc tích nước trong mương vườn phục vụ sản xuất.

Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang có 3 hệ thống công trình thủy lợi đã và đang xây dựng là đê bao Ô Môn – Xà No; hệ thống cống Nam Xà No; đê bao ngăn mặn Long Mỹ – Vị Thanh với tổng số 100 cống hở, 11 cống tròn. Trong đó, đê bao Ô Môn – Xà No gồm 55 cống hở và 1 cống tròn, hệ thống cống Nam Xà No 16 cống hở, đê bao ngăn mặn Long Mỹ – Vị Thanh 29 cống hở, 10 cống tròn. Tỉnh đã thành lập được 5 tổ công nhân quản lý cống với 39 công nhân trực tiếp quản lý vận hành. Hiện nay, tỉnh đang tiếp nhận thêm 20 công nhân nữa để tiếp tục quản lý, vận hành những cống mới thuộc Nam Xà No và đê bao ngăn mặn Long Mỹ – Vị Thanh.