Nông dân xứ Quảng trồng rau sạch trên nền cát trắng

Suốt 200 năm qua, người làng Hưng Mỹ (Quảng Nam) cần cù canh tác rau sạch trên nền đất cát trắng.

Bằng sự cần cù, chịu khó, những nông dân Hưng Mỹ, huyện Thăng Bình, Quảng Nam đã tìm ra biện pháp cải tạo đất, hạn chế sự khắc nghiệt của thời tiết để trồng rau xanh. Hiện, mỗi năm, làng sản xuất khoảng 300 tấn rau sạch các loại, cung ứng cho các cửa hàng thực phẩm, siêu thị, khách sạn ở Đà Nẵng, Quảng Nam.

Rau ở làng trồng quanh năm do áp dụng nhiều cách trồng và chăm sóc sáng tạo.

Rau ở làng trồng quanh năm do áp dụng nhiều cách chăm sóc sáng tạo.

Hơn 200 năm trước, một sĩ tử của làng Lai Kinh ứng thí thi đỗ Phó Bảng. Ngày vinh quy bái tổ, ông mang về nhà một giống cải gieo thử. Thời gian sau, cải mọc xanh vườn vì hợp thổ nhưỡng và khí hậu. Rau ăn có vị cay đầu lưỡi, nhưng sau đó lại ngọt dần như tiền vị và hậu vị của trà xanh. Người làng gọi là cải cay. Từ đó, làng Hưng Mỹ bắt đầu nhân giống cùng nhiều loại rau khác trên mảnh đất khô cằn tưởng chừng khó trồng chuyên canh được loại cây gì.

Giờ đây, khoảng 300/800 hộ dân ở làng Hưng Mỹ trồng rau, ít thì một sào, nhiều thì vài mẫu. Mùa nào thức nấy, làng cung cấp ra thị trường các loại rau ăn lá và lấy củ ngắn ngày như cải bẹ, xà lách, rau muống, ngò rí, cần tây, tần ô…

Thổ nhưỡng Quảng Nam là loại đất nhiều cát, giữ ẩm kém và thời tiết nắng nóng kéo dài nên trồng rau cũng kỳ công hơn. Một lứa rau dao động từ 25 đến 30 ngày. Trước khi gieo hạt, đất phải làm kỹ, rải vôi, cày xới và phơi để diệt nấm bệnh gây hại. Ngườn làng Hưng Mỹ nghĩ ra cách làm mái vòm bằng lưới giảm bớt nắng vào mùa hạ và giảm mưa xối trôi đất mùa mưa bão.

Rau cải là cây rau chủ lực của làng.

Rau cải là cây rau chủ lực tại Hưng Mỹ.

Mỗi vườn rau đều khoan giếng sâu hơn 20m để chủ động nước tưới. Ngoài ra, nông dân đầu tư hệ thống vòi tưới tự động giúp tiết kiệm nhân công đáng kể.

Đất nghèo nên người trồng năng bổ sung phân hữu cơ. Mỗi lứa rau được 3 lần bón phân chuồng ủ hoai, đánh phân vào đất trước khi bỏ hạt, trộn hạt cùng với phân và đất để gieo lên luống, bón thúc khi cây được khoảng 10 ngày tuổi.

Để trồng rau quanh năm, người dân ở làng đã sáng tạo ra nhiều cách như ủ lục bình, vỏ lạc và rơm rạ ủ với nhau cả tháng rồi phủ lên mặt luống sau khi gieo hạt. Cách này vừa cấp thêm dinh dưỡng cho rau, giữ ẩm mùa hè và giữ ấm mùa đông cho cây, đất. Nhờ đó về lâu về dài, đất đai nhờ được cải tạo, bớt hoang hóa, khô cằn.

Rau được trồng dưới mái vòm bằng lưới hạn chế mưa nắng.

Rau được trồng dưới mái vòm bằng lưới hạn chế mưa nắng.

Nhằm bắt kịp thị trường, cung ứng rau sạch, làng Hưng Mỹ nhiều năm nay trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap. Hiện 15ha trên tổng 60ha diện tích trồng rau của làng đã được chứng nhận.

Để khép kín chuỗi cung ứng rau sạch, một Tổ sản xuất rau trong làng đã lập xưởng sơ chế rau tại chỗ. Trong hơn 100 m2 xưởng, rau tươi mỗi ngày đưa về được tỉa bớt lá già, lá sâu, rửa sạch, cân đếm, đóng gói và mang ra xe tải lạnh đưa ngay tới nơi tiếp nhận.

Đầu năm 2016, làng rau đón danh hiệu Làng nghề truyền thống trồng rau Hưng Mỹ. Nhờ sản xuất có uy tín và thương hiệu, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng phát triển nhờ cây rau xanh trên vùng cát trắng.