Nông dân ngồi khóc trên bờ ruộng vì lúa bất ngờ chết sạch

Hàng chục ha lúa hè thu của nông dân ở khu 2.600 ha thuộc thị trấn Thường Thới Tiền và xã Thường Phước 2 của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) chết hàng loạt nghi do xâm nhập mặn, khiến nông dân khóc ròng.

Nông dân Võ Văn Hào đang canh tác 16 công lúa cho biết sau khi gieo sạ 20 ngày, lúa có dấu hiệu thối rễ, vàng ngọn và chết. Dù đã tìm nhiều cách cứu chữa từ bón phân, phun thuốc thậm chí chấp nhận thiệt hại gieo sạ lại lần 2, nhưng lúa vẫn chết. “Lúa sạ được khoảng 20 ngày, bao nhiêu tiền đổ vô mua thuốc, phân bón để cứu chữa mà không cứu được. Lúa khô cây, thối rễ sao mà sống được” – ông Hào chua xót nói.

Nông dân ngồi khóc trên bờ ruộng vì lúa bất ngờ chết sạch - Ảnh 1.

Nắng nóng kéo dài làm lúa chết

Ngồi buồn muốn khóc trên bờ ruộng, nông dân Ca Hữu Tâm cho biết: “Có thể do nguồn nước vì khi bơm nước vào ruộng mỗi ngày, tôi đều thử và phát hiện nước rất mặn. Tôi đã thử nhiều cách như phun xịt, xử lý vôi, phân bón nhưng không cứu được lúa do nguồn nước ô nhiễm quá nặng. Nếu bị phèn thì còn cứu chữa được, giờ nước bị mặn, đất cũng bị mặn luôn”.

Nông dân ngồi khóc trên bờ ruộng vì lúa bất ngờ chết sạch - Ảnh 2.

Nhà nông chua xót khi nhìn cảnh lúa chết

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, nơi đây đã cử cán bộ đến khảo sát cũng như tìm hiểu nguyên nhân. Qua thống kê, có khoảng 27 ha của 24 hộ dân sản xuất vụ lúa hè thu trong khu vực 2.600 ha có dấu hiệu không phát triển. Nguyên nhân ban đầu là do nắng nóng gây thiệt hại, mức độ thiệt hại hơn 80%.

Nông dân ngồi khóc trên bờ ruộng vì lúa bất ngờ chết sạch - Ảnh 3.
Nông dân ngồi khóc trên bờ ruộng vì lúa bất ngờ chết sạch - Ảnh 4.

Nông dân thuê người cấy lại lúa

Ông Phạm Hùng Cường, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, cho biết: “Hiện, huyện đã kiến nghị về tỉnh kết hợp để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể nhằm có biện pháp khắc phục lúa chết. Trước mắt, chúng tôi hướng dẫn bà con tháo bỏ lượng nước trong ruộng, đồng thời chỉ đạo mở 3 cống tiến hành bơm nước mới vào ruộng để cứu lúa”.