Nông dân Nghệ An thu từ bí xanh đầu vụ gần 200 triệu đồng/ha

Chưa bao giờ nông dân huyện Nghĩa Đàn lại phấn khởi khi thu hoạch bí xanh như thời điểm này, bởi không chỉ được mùa mà giá còn bán cao gấp 4 lần so với vụ trước.

Gia đình anh Nguyễn Doãn Quân ở xóm Bắc Lâm, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn) năm nào cũng trồng bí xanh, nhưng theo anh thì năm nay là một trong những năm được mùa và được giá nhất; hiện anh đang thu hoạch 3 sào bí, bán với giá 12.000 đồng/kg; trong khi năm trước bán 2.000 đồng/kg cũng không có người mua.

Anh Quân cho biết, thêm năm nay ngay từ khi ra quả bói đã có thương lái gọi điện đặt hàng. Đầu mùa giá bí 15.000 đồng/kg, thời điểm này 12.000 đồng/ kg. Giá bí cao nên thương lái cũng không lựa nhiều mà mua ngang nên nông dân không phải bán nhiều loại, nhiều giá khác nhau. Năm nay thời tiết thuận lợi nên việc chăm sóc cây bí cũng dễ dàng hơn, dự tính mỗi sào cho sản lượng 3 tấn.

Mỗi ha bí xanh cho sản lượng trên 20 tấn quả.

Xã Nghĩa Lâm trồng 70 ha bí xanh, hiện có khoảng 40 ha đang cho thu hoạch. Theo chị Nguyễn Thị Hường ở xóm Bắc Lâm, trồng bí phải tưới nước thường xuyên, bón phân chuồng nhiều và kết hợp với phân hóa học nhưng tỉ lệ ít. Mỗi mùa bí xanh kéo dài 3 tháng, thu hoạch từ 3 – 5 lứa. Nếu như được mùa được giá như hiện nay, trừ chi phí mỗi ha nông dân đạt doanh thu gần 200 triệu đồng.

Theo ông Lê Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm,  bà con nông dân không trồng bí ồ ạt mà trồng rải vụ. Nếu gia đình nào có 1 ha đất thì một nửa giờ đang thu hoạch, diện tích còn lại khoảng 20 ngày đến 1 tháng nữa thu hoạch nên không bị tư thương ép giá.

Bí xanh Nghĩa Đàn được tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc; hiện thương lái thu mua giá 12.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Bắc, một người thu mua bí xanh cho hay, thời điểm này bí xanh bán được giá, dễ tiêu thụ, anh phải chầu chực ở các cánh đồng bí mới mua được đầy xe. Thường thì từ 3 – 5 ngày người dân thu hoạch 1 lứa, vì vậy anh phải gọi điện đặt hàng trước. Năm nay giá bí xanh cao là do các loại rau, củ khác ít; hơn nữa bí ở Nghĩa Đàn ngon hơn vì do chất đất và nông dân thường chọn các loại giống đặc ruột.