Nông dân làm giàu từ mô hình sản xuất tổng hợp

Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tri Tôn đã mạnh dạn lựa chọn nhiều loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Trong đó, việc phát triển mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi đã và đang là hướng đi mang lại hiệu quả cao. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Liệt (thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn) là một điển hình.

Trước đây, cuộc sống gia đình ông Liệt gặp nhiều khó khăn, ông phải đi làm thuê, mướn để có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày. Nhờ bản tính cần cù, chí thú làm ăn, tằn tiện tích góp nên vợ chồng ông đã mua được một ít đất để sản xuất nông nghiệp. Trải qua nhiều năm, từ 1 công đất ban đầu, gia đình ông mua thêm đất của các hộ dân ở khu vực lân cận, đến nay diện tích lên đến 1ha. “Khi có đất để canh tác, vợ chồng tôi quyết định trồng lúa và rau màu. Nhờ vậy, kinh tế gia đình tôi bớt khó khăn hơn trước” – ông Liệt chia sẻ.

Khi việc canh tác lúa, rau màu gặp khó khăn, ông Liệt bắt đầu cải tạo đất lúa sang lập vườn tìm kiếm cây trồng, vật nuôi phù hợp hơn. Thông qua các lần tham quan tại các hội chợ nông nghiệp được tổ chức trong và ngoài địa phương, ông được tiếp cận với các loại cây trồng mới, trong đó có cây dừa. Khi thấy các giống dừa mới được giới thiệu là ông đều mua về để canh tác. Đến nay, số lượng dừa của ông trên 100 gốc, gồm các loại như: dừa xiêm, siêu lùn, dừa dứa… trong đó có trên 70 gốc dừa đang cho thu hoạch và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Mô hình đa canh của gia đình ông Nguyễn Văn Liệt

Theo ông Liệt, dừa là loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Trồng dừa không tốn nhiều công chăm sóc, cây dừa rất ít sâu bệnh nên không cần sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, nhờ vậy mà chi phí sản xuất giảm đáng kể. Trồng dừa cần chú ý đến đuông dừa gây hại. Tuy nhiên, đối tượng này cũng dễ điều trị nên việc quản lý khá dễ dàng. Ông Liệt cho biết thêm, trồng dừa cần phải thường xuyên dọn những tán lá, tránh để lá dừa phủ lên nhau, có như vậy mới đảm bảo được năng suất của trái dừa. “Cây dừa cho trái quanh năm nên đã giúp gia đình tôi có được nguồn thu nhập, trang trải chi phí cho cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, cây dừa ở đây cho trái rất tốt, bán giá cao (giá hiện tại là 8.000 đồng/trái dừa) nên nhẹ lo đầu ra” – ông Liệt thông tin

Bên cạnh trồng cây dừa, ông Liệt còn nuôi thêm cá tra để phát triển kinh tế gia đình. Cá tra của gia đình ông không sử dụng thức ăn công nghiệp. Thay vào đó, ông tận dụng thức ăn “cặn” của các gia đình, quán ăn sau khi thu gom về sẽ trộn với xác dừa và cho cá ăn. Nhờ vậy đã giúp ông giảm một lượng lớn chi phí thức ăn cho cá. Ông Liệt còn tận dụng diện tích bờ ao để nuôi thêm vịt xiêm, gà… để bán cho người tiêu dùng trên địa bàn. Ngoài ra, ông Liệt còn thuê thêm đất trồng sen, lúa… nhờ đó mà kinh tế gia đình ông ngày càng khấm khá.

Từ việc phát triển mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi tổng hợp, sau khi trừ chi phí, mỗi năm mang lại lợi nhuận cho gia đình trên 200 triệu đồng. Ông Liệt chia sẻ: “Để được như hôm nay, gia đình tôi đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Trước đây cũng có tìm hiểu nhiều mô hình sản xuất khác nhau nhưng không thành công. Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, nên tôi phải mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình sản xuất tổng hợp để có nguồn thu nhập ổn định”.

Hiện nay, kinh tế gia đình của ông Nguyễn Văn Liệt ổn định, ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình, con cái đều đã trưởng thành và lập gia đình. Có thể nói, để có được thành quả trên là nhờ tinh thần dám nghĩ dám làm và sự đam mê với nghề nông. Bên cạnh đó còn nhờ sự mạnh dạn trong đầu tư phát triển mô hình đã giúp ông có được những thành công như ngày hôm nay.

Ông Liệt là tấm gương về sự phấn đấu trong sản xuất – kinh doanh cho nhiều nông dân khác học tập. Ông Liệt được công nhận là “Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi” của thị trấn và của huyện Tri Tôn nhiều năm liền.