Nỗi buồn người trồng hoa tết Quảng Nam, Quảng Ngãi

Hoa vụ tết đang trong giai đoạn phát triển có tính quyết định thì bất ngờ gặp phải mưa lớn. Hàng ngàn chậu hoa của người dân ở Quảng Nam và Quảng Ngãi ngập trong nước lũ bị úng rễ, vàng lá hư hại.

Người trồng đang đứng trước một mùa vụ thất bại…

10-41-47_1
Nhiều diện tích trồng hoa người dân huyện Thăng Bình (Quảng Nam) bị thiệt hại sau lũ

Theo thống kê, trong vụ hoa năm nay toàn xã Nghĩa Hiệp (Quảng Ngãi) có khoảng 700 hộ dân xuống giống hoa cúc để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. Thông thường, để hoa kịp nở đúng dịp tết thì người dân bắt đầu ươm trồng vào khoảng tháng 7 âm lịch.

Đến nay, sau 3 tháng hoa đang phát triển tốt và vào giai đoạn quyết định nên người trồng phải chong đèn túc trực thường xuyên cho hoa nở đúng thời điểm. Thế nhưng, trận mưa lớn vừa qua đã khiến tất cả công sức của các hộ dân đều “đổ sông đổ bể”. Các chậu cúc tươi tốt gặp phải mưa lớn liên tục bị ngập úng, hư hại. Hàng ngàn chậu bị thối rễ, vàng lá không thể nào phát triển được.

Vụ hoa năm nay, anh Đặng Thành Quân (26 tuổi, trú thôn Hải Môn, Nghĩa Hiệp) trồng 500 chậu hoa cúc bán tết. Hoa đang phát triển tốt thì gặp phải mưa lớn khiến cho khoảng 200 chậu của gia đình anh bị nước ngập làm thối rễ. “Những chậu hoa này giờ có chăm sóc kiểu nào cũng không phát triển để bán kịp tết được nên tôi đành chấp nhận bỏ. Giờ chỉ biết tập trung chăm sóc số hoa còn lại. Hy vọng hoa sẻ nở đúng dịp, được giá để lấy lại chút vốn”, anh Quân nói.

Cũng giống như anh Quân, hộ gia đình anh Đặng Cao Linh (35 tuổi, Nghĩa Hiệp) năm nay đầu tư gần 20 triệu đồng để xuống giống 500 chậu hoa cúc tết. Đợt mưa vừa qua, hơn 100 chậu cây xuất hiện tình trạng nấm trên lá, vàng lá, thối gốc. “Mặc dù đã cố hết sức để cứu vớt bằng cách bón thêm phân, thay đất mới nhưng đành bất lực, cây vẫn còi cọc, không phát triển. Tôi buộc phải để riêng số cây bị hư hại sang chỗ khác để tránh lây bệnh cho số cây còn lại”, anh Linh cho biết.

10-41-47_2
Các chậu hoa cúc ở Quảng Ngãi bị ngập nước bắt đầu thối rễ, vàng lá

Theo ông Phạm Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, do gặp mưa to kéo dài nên nhiều diện tích trồng hoa của người dân trong xã bị ngập nước, chết rễ và vàng lá. Thêm vào đó, trời mưa nên người dân không thể phun thuốc trừ sâu để ngăn sâu bệnh, làm cây chậm phát triển, còi cọc.

“Hiện tại, chính quyền địa phương chưa có phương án hỗ trợ cho những hộ trồng hoa bị thiệt hại mà chỉ có thể tổ chức tập huấn cho bà con cách chăm sóc cây đúng cách và động viên bà con cố gắng chăm bón tốt cho số hoa còn lại để kịp nở trong dịp tết”, ông Tâm nói.

Tại Quảng Nam, huyện Thăng Bình cũng là một trong những địa phương có diện tích trồng hoa lớn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Tính riêng tại xã Bình Phục (Thăng Bình) đã có khoảng 10ha hoa tết các loại của người dân bị thiệt hại hoàn toàn. Như hộ gia đình ông Mai Văn Hùng (thôn Ngọc Sơn Đông, Bình Phục) có 5.600 chậu cúc vừa trồng được 20 ngày nhưng bị ngập úng hư hại.

10-41-47_4
Hơn 100 chậu hoa của anh Đặng Cao Linh bị thối rễ, sâu bệnh

“Bây giờ có xuống giống trở lại thì cũng không kịp bán tết nên tôi đành cải tạo lại đất để trồng một số loại rau ngắn ngày như cải bẹ, xà lách may ra bù lại được chi phí”, ông Hùng tâm sự.

Ngoài ra, ở xã Bình Triều (Thăng Bình) cũng có hơn 4ha trồng các loại hoa như cúc, lay ơn, hoa ly, vạn thọ của gần 100 hộ dân bị ngập úng không thể khắc phục. Có nhiều hộ dân thiệt hại đến hàng chục ngàn cây hoa các loại điển hình như gia đình của ông Nguyễn Văn Tâm (thôn Phước Ấm, Bình Triều).

“Tôi đã có 15 năm kinh nghiệm trồng hoa nhưng không ngờ năm nay thời tiết lại diễn biến bất thường. Khoảng 20.000 các loại hoa chuẩn bị bán tế của tôi bị nước lũ nhấn chìm, chết sạch. Bây giờ có lẽ phải canh tác loại cây khác chứ năm nay chẳng thể nào trông mong vào hoa tết nữa”, ông Tâm buồn bã nói.