Những “hơi ấm” trong căn bếp thiếu thịt trên rẻo cao

Trên những cung đường nơi địa đầu Tổ quốc, những cơn gió lạnh đã bắt đầu tràn về. Mùa giá lạnh nữa bắt đầu thổi tới nhưng các em nhỏ dân tộc thiểu số nơi đây lại đang mang trong mình một niềm hạnh phúc bởi từ nay, trong bữa cơm hàng ngày không còn là cơm trắng chấm muối riềng.

Những “hơi ấm” trong căn bếp thiếu thịt trên rẻo cao - Ảnh 1.

Nụ cười của trẻ em vùng cao. Ảnh: Hoàng Minh

Kế hoạch 9 triệu đồng/tháng

Nhà văn, đạo diễn Phạm Ngọc Tiến là người đồng sáng lập quỹ “Cơm có thịt” (nay là Quỹ trò nghèo vùng cao). Chúng tôi gặp ông trong buổi chiều cuối tháng 11, khi những cơn gió se lạnh đang len lỏi từng ngõ phố. Mặc dù rất tất bật cho lịch quay bộ phim truyền hình “Sinh tử” nhưng trong những giây phút thư thả, nhà văn Phạm Ngọc Tiến lại không khỏi đau đáu về những mảnh đời thiếu “hơi ấm” nơi rẻo cao.

Chia sẻ về sự ra đời của quỹ “Cơm có thịt”, nhà văn Phạm Ngọc Tiến nhấp ngụm trà đặc sánh, kể: “Đó là cuối năm 2011, khi tôi đang có chuyến công tác ở Tây Nam Bộ thì bất ngờ nhận được thư của người bạn thân là nhà báo Trần Đăng Tuấn kể về kế hoạch 9 triệu đồng/tháng. Khi ấy, nhà báo Trần Đăng Tuấn đang có chuyến đi ngắm cây chè cổ thụ ở Suối Giàng, thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Nghe có vẻ như chuyện cổ tích nhưng chuyến đi ấy, sau khi sà vào đám trẻ và bất thần biết về chuyện ăn uống của chúng thì “ông bạn già” của tôi đã quên luôn mục đích ban đầu đi lên đỉnh núi Suối Giàng”.

Lục lại ký ức của mình, nhà văn Phạm Ngọc Tiến trầm ngâm: “Tháng 9/2011, Trường tiểu học dân nuôi suối Giàng hiện lên như một bức tranh sống động giữa núi rừng Yên Bái. Khi những vệt sương cuối cùng đọng lại trên ngọn cỏ xanh biếc, cũng là lúc hơn 80 học sinh tiểu học đang tập thể dục giữa buổi học. Đây là trường dân nuôi nên mỗi tuần, cha mẹ học sinh góp khoảng gạo 2kg và 5.000 đồng tiền thức ăn cho các em.

Những “hơi ấm” trong căn bếp thiếu thịt trên rẻo cao - Ảnh 2.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến và tủ thuốc vùng cao. Ảnh: NVCC

Trong hành trình tò mò về bữa ăn 5.000 đồng/tuần, nhà báo Trần Đăng Tuấn (người thường được nhà văn Phạm Ngọc Tiến nhắc tới với tên gọi đầy thân thương “ông bạn già”) đã vòng ra sau nhà UBND xã Suối Giàng, ở đó có một cái lều tường che gỗ ván và giữa lều là bếp lửa đang đỏ rực. Trong bếp, ngoài nồi cơm đang nấu thì có một nồi nữa, chắc là để nấu canh, còn lại thì chẳng có đồ đạc gì. Bữa trưa ấy, “ông bạn già” chứng kiến bữa ăn của hơn 80 trẻ mầm non là cơm trắng với canh rau cải.

Tiếp tục ghé sang khu trường trung học nội trú dân nuôi bên cạnh, ở đây, bếp chung không gian với khu giường tầng của học sinh. Vì tò mò nên “ông bạn già” đã cúi xuống nồi canh và nhìn thấy mấy miếng xanh xanh đang “lộn tùng phèo” cùng chút váng mỡ. Mặc dù cũng được cha mẹ đóng góp 5.000 đồng tiền thức ăn/tuần nhưng dường như, bữa cơm của 45 học sinh trung học khá hơn, bởi các cô giáo đã bớt tiền lương cộng vào tiền góp của bố mẹ các em để mua chút thức ăn.

Khi những tiếng ê a của trẻ thơ vang lên trong lớp học thì ở dưới chân dốc phía cổng trường, một cô gái trẻ ngời dân tộc Mông đang bế con ngồi trên tảng đá. Đứa bé ngoan ngoãn, người lạ bế cứ cười toe toét. Còn cô mẹ cũng hóm “ra phết”, bạn tôi hỏi đùa “Cho tao mang về nuôi nhé”, thì cô trả lời “Ừ, cho đấy, đẻ đứa khác được mà”. Hỏi ra mới biết, cô ấy xuống thăm con ở nội trú và đang đợi giờ tan học để gặp con. Bên cạnh là một túi gạo, có lẽ sẽ mang thêm 5.000 đồng nữa để nộp tiền thức ăn cho con”.

Những “hơi ấm” trong căn bếp thiếu thịt trên rẻo cao - Ảnh 3.

Bữa cơm thiếu thịt của các em nhỏ vùng cao

Từ chuyến thăm cây chè cổ thụ bất thành của nhà báo Trần Đăng Tuấn, cộng thêm sự hưởng ứng của nhà văn Phạm Ngọc Tiến, quỹ “Cơm có thịt” chính thức được “khai sinh”, trẻ em trường mầm non vùng cao không phải triền miên ăn những bữa cơm chỉ cơm trắng với muối và canh loãng. Với kế hoạch 9 triệu đồng/tháng để đảm bảo cho hơn 100 học sinh tại trường vùng cao Suối Giàng có một bữa thịt kho, đậu phụ (tương đương 108 triệu đồng/năm). Nếu cả hai bữa trong ngày có thịt thì cần gấp đôi là 18 triệu đồng/tháng (216 triệu đồng/năm).

Những “hơi ấm” nơi rẻo cao

Những “hơi ấm” trong căn bếp thiếu thịt trên rẻo cao - Ảnh 4.

Em nhỏ dân tộc H’Mông ôm cạp lồng cơm cười tươi bên tường rào. Ảnh: Việt Hùng

Quỹ “Cơm có thịt” ra đời năm 2011. Sau khi được nhà nước công nhận và cấp phép, “Cơm có thịt” có tên gọi mới là Quỹ Trò nghèo vùng cao. Trên phương trâm “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng: “Hoạt động thiện nguyện của Quỹ ban đầu là tự phát từ xúc cảm của một nhà báo. Ban đầu, kế hoạch 9 triệu đồng/tháng hay 108 triệu đồng/năm chỉ có ý định trong phạm vi bạn bè. Thế nhưng, trước sức mạnh của cộng đồng, kế hoạch 9 triệu đồng đã mở rộng và lan tỏa “hơi ấm” đến nhiều trẻ em vùng cao ở các tỉnh địa đầu Tổ quốc”.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho hay: “Khó khăn lớn nhất là những điểm cần giúp đỡ lại nằm rất xa, đi lại vô cùng khó khăn. Sở dĩ, có những cung đường chỉ khoảng 9km nhưng chúng tôi phải di chuyển đến 4 giờ đồng hồ bởi đường đất, vừa kết dính, vừa lầy. Thứ hai là kinh phí, hiện nay chúng tôi chỉ trích 5% số quỹ để chi trả cho thuê văn phòng, điện nước cho văn phòng, còn lại những chi phí khảo sát, đi lại đều do tình nguyện viên tự chi trả. Có những chuyến đi xuyên tuần hàng trăm kilomet là hết sức bình thường. Khó khăn thứ ba là tình nguyên viên rất nhiệt tình nhưng họ cũng có công việc và cuộc sống riêng. Vì vậy, có những chuyến đi, chỉ lác đác vài người trong đoàn mà thôi. Trong khi đó, khâu vận chuyển đồ từ thiện, hay đưa đồ lên khu vực nào đó, ở tình cảnh thiếu người cũng vô cùng vất vả”.

Mặc dù khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng hơn 8 năm qua, kể từ khi quỹ “Cơm có thịt” ra đời, nhà văn Phạm Ngọc Tiến cũng không thể nhớ hết được có bao nhiêu điểm trường, địa phương đã được “Cơm có thịt” lan tỏa “hơi ấm”. Bởi trong suốt hành trình của mình, “Cơm có thịt” luôn nhận được sự đồng hành của cộng đồng. “Sự đồng hành cũng rất đa dạng, có những sinh viên khó khăn, phụ thuộc gia đình là vậy, nhưng mỗi tháng cũng đóng góp ít nhất 50.000 đồng. Thậm chí có những em sinh viên vì chuyển nhầm mà vượt quá số tiền chi cho sinh hoạt của mình ở ký túc xá. “Hoặc một trường hợp ở TP Nam Định cũng thường xuyên ủng hộ các em nhỏ vùng cao bằng cách chuyển khoản đều đặn một số tiền đã “mặc định”. Cho đến một ngày, tin nhắn ủng hộ đó có kèm thêm nội dung “Đây là tin nhắn ủng hộ cuối cùng của chị tôi cho quỹ “Cơm có thịt” vì chị tôi đã mất”. Đọc dòng tin này, tất cả thành viên trong Cơm có thịt đều lặng người. Sau này, chúng tôi liên hệ thì mới biết, người ủng hộ đã mắc một căn bệnh hiểm nghèo và qua đời”, nhà văn Phạm Ngọc Tiến xúc động kể lại.

Quỹ “Cơm có thịt” luôn nhận được sự đồng hành của cộng đồng. Thậm chí có những sinh viên vẫn còn phụ thuộc gia đình nhưng mỗi tháng cũng đóng góp ít nhất 50.000 đồng, hay có những bạn vì chuyển nhầm mà vượt quá số tiền chi cho sinh hoạt của mình ở ký túc xá.