Những chính sách có hiệu lực từ tháng 8/2017

Ngân hàng bảo hiểm tối đa 75 triệu đồng; tăng mức phạt hành chính nhiều lỗi vi phạm giao thông; lương hưu và trợ cấp của hàng loạt đối tượng tăng hơn 7%; quy định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông;… là những chính sách có hiệu lực từ tháng 8/2017.

Tăng mức phạt vi phạm giao thông

Từ ngày 1/8, Bộ Giao thông Vận tải sẽ áp dụng Luật Giao thông đường bộ mới đối với người đi xe máy.

Cụ thể: Vượt đèn đỏ phạt từ 300.000- 400.000 đồng, tước bằng lái xe máy từ 1-3 tháng; đi xe sai làn đường, điều khiển xe trên vỉa hè phạt từ 300.000-400.000 đồng; không đội mũ bảo hiểm, cài quai sai cách; sử dụng điện thoại, tai nghe khi đang điều khiển phương tiện phạt từ 150.000-250.000 đồng; lái xe chuyển hướng nhưng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (xi nhan) gây nguy hiểm cho phương tiện khác phạt cao nhất là 250.000 đồng; xe không có đèn xi nhan hoặc đèn xi nhan không hoạt động phạt từ 70.000-150.000 đồng; chạy xe trong hầm mà không bật đèn chiếu sáng gần phạt từ 500.000-1.000.000 đồng; điều khiển phương tiện giao thông trong khi đã sử dụng rượu, bia (nồng độ cồn trong cơ thể quá mức cho phép) phạt từ 1.000.000- 6.000.000 đồng…

Đặc biệt, nếu trong thời gian bị tước bằng lái xe mà vẫn tiếp tục điều khiển xe sẽ bị giam xe 7 ngày, phạt từ 800.000- 1.200.000 đồng đối với xe có dung tích xi lanh dưới 175 cm3; xe có dung tích xi lanh trên 175 cm3 phạt từ 4.000.000- 6.000.000 đồng.

Người gửi tiền được bảo hiểm tối đa 75 triệu đồng

Theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ có hiệu lực từ ngày 5/8. Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (bao gồm cả gốc và lãi) được bảo hiểm của cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được điều chỉnh lên 75 triệu đồng.

Trước đó Nghị định 109/2005/NĐ-CP quy định là 50 triệu đồng.

Với quy định mới, nếu tổ chức tính dụng mất khả năng chi trả tiền gửi hoặc phá sản thì người gửi tiền nhận được số tiền bảo hiểm tối đa 75 triệu đồng.

Lương hưu, trợ cấp tăng hơn 7%

Nghị định 76/2017/NĐ-CP điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng được Chính phủ ban hành, từ ngày 1-7-2017. Các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng được tăng thêm 7,44%.

Theo đó, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 và các chế độ này được thực hiện kể từ ngày 1/7/2017.

8 đối tượng được hưởng trợ cấp gồm:

– Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg ngày 16.3.2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

– Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22.10.2009, Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21.10.2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23.1.1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.

– Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4.8.2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6.5.2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

– Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20.6.1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13.10.1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

– Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27.10.2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06.5.2010 của Thủ tướng Chính phủ.

– Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20.8.2010 của Thủ tướng Chính phủ.

– Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9.11.2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Quy định mới về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông

Từ ngày 1/8/2017, Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, chính thức có hiệu lực.

Thời gian nghỉ hè hằng năm là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định Bộ Luật Lao động) của giáo viên được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có).

Theo thông tư 28 quy định định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng: Hiệu trưởng là 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học. Phó hiệu trưởng là 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các chức vụ kiêm nhiệm thay thế (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) không được quy đổi cho định mức tiết dạy hàng năm.

Bên cạnh đó, Thông tư 15 bổ sung về chế độ làm việc của giáo viên trường dự bị đại học. Thời gian giáo viên dự bị đại học là 42 tuần, tương tự giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Giáo viên trường dự bị đại học được áp dụng chế độ giảm định mức tiết dạy. Cụ thể giáo viên chủ nhiệm lớp dự bị đại học giảm 3 tiết/tuần; giáo viên nữ trường dự bị đại học được giảm 3 tiết/tuần khi nuôi con nhỏ dưới 12 tháng; tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết/tuần.

Ngân hàng thừa tiền, người cần vốn không vay nổi, vì sao?

Ô nhiễm môi trường biển: 80% lượng rác có nguồn gốc từ đất liền​

Theo GĐ&XH