Nhiều tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

Hiện, nhiều tỉnh ở ĐBSCL xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Mới đây nhất, chiều ngày 12/11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) cho biết, vừa công bố dịch tả lợn châu Phi tại xã Tân Thới.

cà-mau-xuất-hiện-ổ-dịch-tả-lợn-châu-phi-tại-huyện-năm-căn.jpg

Nhiều tỉnh ở ĐBSCL xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Dịch tái phát ở huyện Tân Phú Đông

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang), từ ngày 28/10 đến nay, tại xã Tân Thới đã phát hiện 116 con lợn  của 5 hộ nuôi ở 3 ấp bị bệnh và dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Sau khi phát hiện dịch, ngành thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy để khống chế mầm bệnh lây lan; phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các chuồng trại chăn nuôi để bao vây mầm bệnh; lập các chốt kiểm dịch tại các ngã đường, bến đò, bến phà.

Sau khi công bố dịch bệnh tả lợn châu Phi tại xã Tân Thới, chính quyền địa phương đang triển khai thực hiện các công việc cần thiết để phòng chống dịch tại địa phương này cũng như các khu vực lân cận.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Phú Đông, dịch tả lợn châu Phi lan ra 3 ấp theo quy định huyện phải công bố dịch cho 01 xã. Sau khi tiêu hủy, công bố dịch, huyện đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con tiêu độc sát trùng, không cho bán chạy, không vận chuyển, không giết mổ. Các bến phà tại xã Tân Thới mình lập chốt kiểm soát, ngăn chặn nguồn dịch. Đây là lần thứ hai huyện xuất hiện dịch.

Dịch xuất hiện ở nhiều tỉnh

Trước đó, ngày 10/11, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Long An, cho biết, tỉnh đã khoanh vùng và tiêu hủy hoàn toàn số lợn trong đàn có con dương tính với dịch tả lợn châu Phi ở huyện Tân Trụ.

Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, hai hộ dân thuộc khu phố Bình Hòa, thị trấn Tân Trụ và ấp 3, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ liên tục có lợn chết, khi lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Hai đàn lợ nói trên tổng cộng hơn 40 con đã được tiêu hủy, đồng thời phun thuốc xử lý chuồng trại để tránh nguy cơ phát tán.

Tại tỉnh Cà Mau, theo thông tin từ Chi cục Thú y Vùng VII, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lợn bị bệnh chết của hộ ông Trần Văn Sơn (ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn), dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, ngày 30/8, đàn lợn của hộ ông Lê Văn Phúc (Ấp 9, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) cũng đã có kết quả dương tính với dịch tả lợn Châu Phi. Đàn lợn này được nhập về vào ngày 17/8, nguồn gốc từ huyện Phước Long, (Bạc Liêu).

Ngay sau khi có dịch, UBND tỉnh Cà Mau có công văn hỏa tốc về việc thực hiện các biện pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Khánh Thuận.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu UBND huyện U Minh chỉ đạo UBND xã Khánh Thuận, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có liên quan của huyện tích cực phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thực hiện đồng bộ các biện pháp bao vây, khống chế bệnh dịch, không để lây lan ra diện rộng.

Rà soát các điều kiện để công bố dịch bệnh theo quy định, nếu đủ điều kiện. Khẩn trương điều tra tổng đàn trong vùng dịch bệnh; tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đúng phạm vi, tần suất. Theo dõi lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Trước đó, ngày 15/7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau gần 4 tháng tỉnh này công bố hết dịch tả lợn châu Phi, thì địa phương vừa phát hiện 2 ổ dịch tái phát thuộc ấp 3B, xã Tân Phong, TX.Giá Rai. Tổng số lợn bị chết 20 con.

Như vậy, đến nay ít nhất có 4 tỉnh ở ĐBSCL đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Nếu chính quyền địa phương không cương quyết trong việc phòng chống, ngăn chặn nguồn dịch, rất có thể dịch sẽ lan rộng, lúc này thiệt hại về kinh tế là không hề nhỏ.